Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chợ phiên Sìn Hồ

Thứ Sáu, 01/10/2021 15:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Chợ phiên họp ngay ở trung tâm thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), mang trong mình nhiều nét độc đáo truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Nơi đây du khách bị thu hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc cùng những tập quán lâu đời của người dân nơi đây.

Chợ phiên Sìn Hồ họp vào ngày Chủ Nhật, bên sườn núi sương giăng mây phủ, ở độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển, chợ thu hút rất đông đồng bào dân tộc Dao, H’Mông, Lự, Phù Lá trong vùng, tạo nên một chợ phiên xôn xao, ngập tràn muôn màu sóng hoa văn thổ cẩm. 

Sìn Hồ - cái tên người dân nơi đây đặt tên và chọn làm nơi họp chợ từ xa xưa đến nay vẫn thế, khác chăng là những mặt hàng bán nay đã phong phú hơn trước rất nhiều. Xưa chợ chủ yếu bán các mặt hàng cuốc, thuổng, dao quắm hay các hàng thiết yếu do đồng bào tự làm, tự bán, nay chợ bán chẳng thiếu gì từ cái kim, sợi chỉ đến những mặt hàng công nghiệp, đồ trang sức bằng bạc, đồng hay lâm thổ sản của vùng Tây Bắc.

Các chàng trai, cô gái dân tộc Lự trang phục đẹp từ khắp các làng bản vùng cao rộn rã tới chợ từ mờ sáng. Họ mang theo những sản vật kiếm được từ núi rừng hay các sản phẩm thủ công. Thổ cẩm của người H’Mông, người Lự ở đây có thể bán hay dùng để trao đổi hàng hóa. Những tấm lanh của người H’Mông tự tay làm rất đẹp và bền.

Những cô gái H’Mông xuống chợ, có người tới chỉ để bán một con gà 200.000 đồng rồi mua muối, dầu ăn hay vài thứ vật dụng khác. Trong khi đó, các cô gái người Giáy trong trang phục áo thân dài nhẹ nhàng, mầu đỏ, xanh tím làm nổi bật lên những gam mầu đa sắc. Các gian hàng bán rất nhiều váy hoa thêu tay và khâu tay, giá từ 400.000 - 1.000.000 đồng/chiếc. Khăn thêu tay giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng túi đựng bạc, vòng bạc, trang sức thủ công giá lại không hề rẻ.

Ở đây bán rất nhiều hoa lan, từ địa lan, lan đuôi công, lan trắng, lan tím, đến lan rừng. Phong lan, địa lan 5 mầu bán chỉ 100.000 đồng/nhành. Những giò hoa lan mang sắc hương miền sơn cước có sức sống, dáng vẻ phô diễn vẻ đẹp rực rỡ đến khác lạ khiến Sìn Hồ như một rừng hoa lan.

 Đồng bào dân tộc H'Mông xuống chợ.

Anh Tô Hồng Long, Công ty Đông Phương Travel cho biết: “Người H’Mông ở đây bảo nhau trồng thật nhiều địa lan, phong lan để vừa làm du lịch vừa phát triển kinh tế gia đình. Thăm các bản làng trồng lan ở Sìn Hồ đang là một sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với huyện vùng cao biên giới này”.

Đồng bào các dân tộc tới chợ phiên Sìn Hồ không chỉ để giao thương mà còn để gặp gỡ, để hẹn hò, để làm duyên hay say cái men say của núi rừng Tây Bắc. Qua những lần gặp gỡ, những tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn môi, kèn lá, những bát rượu Mông Kê ướp men lá rừng, những chén trà xanh hương thơm ngào ngạt… đã giúp nhiều người trong số họ thành vợ thành chồng.

Chị Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội) chia sẻ: "Lần đầu đến chợ Sìn Hồ, thời tiết trong lành, mát mẻ. Người dân ở đây thân thiện, mến khách mang lại cảm giác thật tuyệt ! Cảnh chợ phiên nhộn nhịp, đồng bào trong trang phục truyền thống rực rỡ, thưởng thức ẩm thực vùng cao đã cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi còn mua được hạt dổi và cải rừng về làm quà. Phiên chợ vùng cao thật đậm đà bản sắc, mộc mạc như người dân nơi đây".

Gần 12 giờ trưa, chợ phiên Sìn Hồ người mua bán thưa dần, tạm biệt những người dân chất phác, đôn hậu nơi đây, chúng tôi ra về đầy ắp niềm vui và tin rằng, phiên chợ sẽ là một trải nghiệm thú vị với du khách về một phiên chợ vùng cao mỗi khi có dịp tới thăm Sìn Hồ.

Bài, ảnh: Thanh Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN