Chìa khóa đẩy lùi dịch bệnh COVID-19?
(ĐCSVN) – Ngày 5/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thông qua phát ngôn viên của mình nhằm bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền và cho phép các công ty khác sản xuất các loại vaccine thuộc sở hữu bản quyền của họ.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Times of India. |
Thông điệp này được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế để thúc đẩy việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. Sáng kiến này được kỳ vọng là sẽ mang lại những hiệu quả mang tính đột phá trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 đã phủ bóng đen lên mọi ngõ ngách của thế giới trong hơn 1 năm qua.
Sáng kiến do Ấn Độ và Nam Phi đề xuất...
Tháng 10/2020, Nam Phi và Ấn Độ đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Hiện các nước thành viên WTO đang đánh giá những tiến triển đạt được sau 7 tháng đàm phán về đề xuất trên. Tuy nhiên, đây là một quá trình phức tạp và các quyết định của WTO đều dựa trên sự đồng thuận, cần tới sự nhất trí của toàn bộ 164 nước thành viên.
Một số quan chức của Liên hợp quốc cho rằng, thảo luận về khả năng miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine COVID-19 sẽ gây ra một “sự phân tán về tư tưởng” và việc làm phát sinh một cuộc chiến về ý thức hệ sẽ không giúp giải quyết được vấn đề làm thế nào để mở rộng quy mô sản xuất vaccine. Trong khi đó, 60 nước hưởng ứng đề xuất do Nam Phi và Ấn Độ đưa ra cũng đang phải nỗ lực để thuyết phục các nước phát triển giàu có hơn chẳng hạn như Thụy Sĩ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) – nơi vốn có nhiều công ty dược phẩm đặt trụ sở.
Trước sự bùng phát chưa có hồi kết của đại dịch COVID-19, ông Gutterres đã từng lên tiếng kêu gọi thúc đẩy quyền tiếp cận vaccine cho tất cả các nước trên thế giới, đồng thời huy động nguồn quỹ ủng hộ sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX, trước mục tiêu mua được 1,8 tỷ liều vaccine để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng toàn cầu trong năm 2021.
Được đồng lãnh đạo bởi Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI), WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), “Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19” (viết tắt là COVAX) là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới. Mục tiêu của COVAX là thực hiện các giao dịch mua vaccine với số lượng lớn từ các công ty dược phẩm, đồng thời nhận vaccine quyên góp từ các nước giàu. Các quốc gia nghèo hơn có thể nhận được vaccine miễn phí từ sáng kiến này, còn những quốc gia giàu có cũng có thể mua vaccine từ đây như một cách để đa dạng hóa nguồn cung.
Tháng trước, Giám đốc điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore đề xuất cần đơn giản hóa vấn đề quyền sở hữu trí tuệ (IPR) thông qua hình thức “cấp bản quyền tự nguyện và chủ động”. Tuy nhiên, bà Fore cũng cảnh báo rằng, chỉ một mình biện pháp này là không đủ để hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh việc sản xuất vaccine COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng.
Theo phân tích của bà Fore, với khả năng sản xuất như hiện nay, thế giới không đủ nguồn cung vaccine trong khi nguồn cung sẵn có lại chỉ tập trung ở một số ít nước. Hiện một số nước đã ký hợp đồng mua đủ lượng vaccine tiêm chủng cho toàn bộ người dân của họ thì một số nước lại chẳng có liều vaccine nào trong tay. Đại diện UNICEF cho rằng, điều này đang gây ra một mối đe dọa. Virus SARS-CoV-2 và các biến thể của virus sẽ thắng thế. Thực tế trên đòi hỏi các chính phủ, doanh nghiệp cùng các đối tác hành động nhanh chóng để bảo đảm cơ chế phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu.
... cùng sự hưởng ứng từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoan nghênh việc Mỹ ủng hộ miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine COVID-19, coi đây là một ví dụ điển hình về vai trò dẫn dắt của Mỹ trong giải quyết các thách thức y tế toàn cầu. (Ảnh cắt từ bản tin Reuters) |
Ngày 5/5, Tổng thống Mỹ J.Biden đã bất ngờ tỏ rõ quan điểm ủng hộ miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine COVID-19. Điều đó cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng đã thay đổi cách nhìn nhận trước áp lực ngày càng gia tăng từ các nhà lập pháp đảng Dân chủ và hơn 100 quốc gia khác trên thế giới về vấn đề vaccine. Tuy nhiên, động thái này cũng được dự báo chắc chắn bị các hãng dược phẩm phản đối. Ngay sau khi các thông tin về khả năng miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine được công bố, cổ phiếu của hãng sản xuất vaccine Moderna Inc và Novavax Inc, Pfizer Inc đã có dấu hiệu bị sụt giảm.
Thông điệp này được ông J.Biden đưa ra sau một tuyên bố ngắn gọn của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai – người vốn luôn ủng hộ các tiến trình đàm phán tại WTO. Theo đánh giá của bà Tai thì COVID-19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và là một tình huống bất thường, cần tới những giải pháp đặc biệt.
Sau khi phải chật vật chống đại dịch COVID-19 với số ca mắc và ca tử vong vì bệnh này cao hàng đầu thế giới, nước Mỹ bắt đầu có dấu hiệu kiểm soát được tình hình dịch, với nền kinh tế của họ bắt đầu phục hồi. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, đã đến lúc nước này cần đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn cầu, vừa vì lợi ích của siêu cường số 1 thế giới, vừa vì lợi ích của nhân loại. Dự kiến, Mỹ sẽ bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán của WTO về việc gỡ bỏ các rào cản được kỳ vọng là sẽ giúp cho việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trở nên phổ biến và hỗ trợ các nước có thu nhập thấp tự điều chế được vaccine.
Đồng quan điểm trên với Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ngày 6/5 khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thảo luận về đề xuất đã nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, đó là việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Bà von der Leyen khẳng định quan điểm của EU nhằm sẵn sàng thảo luận về bất cứ đề xuất nào có thể giúp ứng phó với đại dịch theo cách hiệu quả và thực dụng.
Người đứng đầu cơ quan điều hành của EU cho biết, nỗ lực tiêm chủng của khối đang được đẩy nhanh, khi cứ 1 giây trôi qua lại có 30 người dân châu Âu được tiêm chủng. Trong khi đó, hơn 200 triệu liều vaccine cũng đã được khối này xuất khẩu sang các nước còn lại trên thế giới.
đã mở ra triển vọng mới cho cuộc chiến chống COVID-19?
Theo số liệu thống kê trên worldometers.info, tính đến chiều 6/5, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu sắp chạm ngưỡng 156 triệu ca, với hơn 3,2 triệu ca tử vong. Trong khi làn sóng COVID-19 nghiêm trọng bùng phát tại Ấn Độ đang làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng của các chủng virus mới kháng vaccine và cản trở triển vọng phục hồi toàn cầu.
Kết quả một cuộc khảo sát do AP thực hiện cho thấy có các nhà máy ở cả ba lục địa mà chủ sở hữu cho biết có thể bắt đầu sản xuất hàng trăm triệu vaccine COVID-19 trong thời gian ngắn, chỉ cần họ có bản thiết kế và bí quyết kỹ thuật. Nhưng kiến thức đó thuộc về các công ty dược phẩm lớn đã sản xuất ba loại vaccine đầu tiên được Anh, Liên minh châu Âu và Mỹ ủy quyền, đó là Pfizer, Moderna và AstraZeneca.
Tuy nhiên, tất cả các nhà máy vẫn đang chờ phản hồi. Và trong thời gian chờ đợi cuộc họp của WTO về sáng kiến của Ấn Độ và Nam Phi nhằm gỡ bỏ các ràn cản sản xuất vaccine dự kiến diễn ra vào ngày 10/5 tới đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn kêu gọi sự ủng hộ từ các nước.
Hiện vẫn chưa rõ những sáng kiến về miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine sẽ được hưởng ứng và triển khai trong phạm vi nào. Tuy nhiên, đây là một cơ hội để chúng ta nắm bắt, bởi bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân thì những giải pháp tăng cường sản xuất và phân phối vaccine rộng rãi trên quy mô toàn cầu vẫn được coi là “chìa khóa” đẩy lùi dịch bệnh. Sự chung tay của cả thế giới chắc chắn sẽ mang lại những tiến triển khả quan hơn là chỉ trông đợi vào khả năng đáp ứng nguồn cung vaccine từ các hãng dược phẩm trong bối cảnh mỗi ngày, mỗi giờ đều có thêm các ca mắc và tử vong vì dịch bệnh. COVID-19 đã đặt ra một phép thử đối với cả thế giới: Đó là việc cân nhắc mức độ ưu tiên giữa một bên là lợi ích kinh tế và bên còn lại là trách nhiệm đối với cộng đồng cùng những hành vi thuộc về phạm trù đạo đức./.