Chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh đôi?
(ĐCSVN) - “Tôi đang công tác tại doanh nghiệp tư nhân, đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, liên tục 15 năm. Vợ tôi vừa sinh đôi. Vậy tôi cần làm thủ tục gì để hưởng chế độ thai sản, cụ thể mức hưởng thế nào?”, bạn đọc Trần Đức B, sống tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai hỏi.
Theo luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh), chế độ bảo hiểm xã hội được quy định là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.
Chế độ thai sản là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng dành cho người lao động. Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng có thể được hưởng chế độ này khi có vợ sinh con.
Căn cứ Khoản e Điều 31 Mục 2 Chương III Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 (Luật số: 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014), người lao động được hưởng chế độ thai sản nếu là lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Ảnh minh họa. Nguồn: baohiemxahoidientu.vn |
Cùng với đó, tại Khoản 2 Điều 34 Mục 2 Chương III Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 nêu rõ: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
“Do không biết vợ bạn sinh đôi (sinh thường hay phải phẫu thuật) nên bạn có thể được nghỉ 10 ngày hoặc 14 ngày”, luật sư Kỹ phân tích.
Tuy nhiên, nếu người lao động có nghỉ những ngày trước khi vợ sinh con thì tính là nghỉ không lương, nghỉ phép của mình.
+ Trường hợp người lao động nam nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.
+ Thời gian lao động nam nghỉ khi vợ sinh con mà trùng thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: Không được tính hưởng chế độ thai sản.
Theo quy định hiện hành, để được hưởng chế độ, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm có: Giấy khai sinh có họ tên cha; hoặc Giấy chứng sinh và Căn cước công dân gắn chíp.
Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc người lao động phải nộp hồ sơ cho doanh nghiệp. Đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động) phải nộp cho cơ quan bảo hiểm. Như vậy, trong vòng 55 ngày kể từ ngày người lao động nam đi làm trở lại thì phải nộp hồ sơ hưởng chế độ lên cơ quan bảo hiểm xã hội, quá hạn sẽ không được giải quyết.
Mức hưởng chế độ thai sản khi nam giới có vợ sinh con: Mức hưởng = Mbq6t/24 ngày công x 100% x số ngày được nghỉ.
Trong đó: Mbq6t: Bình quân mức lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi vợ sinh của người lao động nam; Trường hợp chưa đủ 6 tháng thì Mbq6t = bình quân lương các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ: Lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi vợ sinh là: 6.000.000 đồng và bạn được nghỉ 10 ngày (vì vợ sinh đôi) thì cách tính như sau:
Mbq6t = (6x6.000.000 đồng)/6 tháng = 6.000.000 đồng
Mức hưởng = 6.000.000/24 x 100% x 10 = 2.500.000 đồng
Ngoài ra, trong trường hợp vợ bạn không tham gia bảo hiểm xã hội thì theo quy định tại Điều 38 Mục 2 Chương II Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, bạn được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Căn cứ các Nghị định có liên quan của Chính phủ, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ thai sản đối với người lao động nam đã được điều chỉnh từ ngày 1/7/2024 khi mức lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng/tháng.
“Do đó, bạn sẽ được trợ cấp một lần bằng 04 lần mức lương cơ sở tương đương 9.360.000 đồng”, luật sư Kỹ phân tích./.