Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cây nêu trong văn hoá Tây Nguyên

Chủ Nhật, 10/10/2021 00:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tây Nguyên là vùng đất giao thoa nhiều nền văn hoá, nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc Êđê, Gia Rai, Ba Na, Cơ Ho, Xơ Đăng, Mnông… Không gian cao nguyên hiện hữu những ngôi nhà sàn trải dài, những chú voi ngạo nghễ, ché rượu cần, những điệu múa xoang thấm đẫm hơi thở đại ngàn, những cây nêu bên mái nhà rông một biểu tượng tín ngưỡng, khắc họa sâu đậm bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Trong các buôn làng người Êđê, Gia Rai, Xơ Đăng và một số dân tộc có thể gặp những ngôi nhà rông như những con thuyền, trước nhà rông là những cây nêu trang trí in đậm nét kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc dân gian, thể hiện nét đặc trưng văn hoá của đồng bào ở Tây Nguyên.

Theo già A Phơ, người Ba Na (tỉnh Kon Tum): Cây nêu được dùng trong nhiều sự kiện cộng đồng, theo thời gian nêu trở nên gần gũi với đời sống. Trong các lễ hội dân gian của đồng bào, cây nêu trở thành nét đẹp đặc trưng. Nêu càng cao vút càng có ý nghĩa thiêng liêng, càng được các Yàng nhanh chóng giúp đỡ, phù hộ cho mọi người khỏe mạnh, bình an, mùa màng tốt tươi.

Trong các lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên luôn có bóng dáng cây nêu nó vừa là hình tượng nghệ thuật điêu khắc, vừa hoà quyện kiến trúc chung của ngôi làng, một biểu tượng tâm linh gắn kết con người với đất trời, các vị thần linh trong các nghi lễ truyền thống.

Cây nêu thường có hai dạng. Dạng thứ nhất, làm bằng cây lồ ô cao khoảng 20m, trên ngọn nêu, trang trí hình mặt trời hoặc gắn hình tượng chim Tlang, giữa thân nêu gắn hoa văn bông gạo, dưới gốc cây tạc hình con thạch sùng hoặc rùa, có thể thấy những cây nêu này trong các lễ hội cúng Yàng, dựng làng mới hay các sinh hoạt cộng đồng của đồng bào ở tỉnh Kon Tum.

Dạng thứ hai, cây nêu đồng bào thường sử dụng trong lễ hội đâm trâu hay khánh thành làng, khánh thành nhà rông mới. Dạng cây nêu này được chế tác kỳ công, tỉ mỉ, ở giữa cây nêu nối thêm bốn cây gạo, tỏa ra bốn hướng, trên đó tết các dây tua tre hoặc dây rừng có bốn màu chính đỏ, đen, trắng, vàng. Những màu sắc chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc dân gian của đồng bào ở Tây Nguyên.

 Trong không gian văn hóa Tây Nguyên, không có lễ hội lớn nào của người dân bản địa mà lại vắng bóng cây nêu.
 Người Gia Rai, Ba Na ở tỉnh Gia Lai có phong tục dựng cây nêu trong các nghi lễ dân gian như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ tạ ơn cha mẹ…
 Cây nêu của người Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam dựng trong lễ mừng nhà Gươi mới.
Cây nêu thường được dựng trước vài tuần khi diễn ra lễ hội, hoặc sự kiện của cộng đồng. Bởi sự linh thiêng nên không phải ai cũng làm được mà chỉ những người có tài, có đôi tay khéo léo là nam giới mới được làm.
 Cây Nêu trong lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới của người Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum.
 Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động lao động khác đều dừng lại. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ.

Người Bahnar, tỉnh Gia Lai dựng cây nêu trong hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống.

 Cây nêu trong lễ hội của người dân Nam Tây Nguyên lại độc đáo ở các điểm nhấn về họa tiết, hoa văn và màu sắc trang trí. Tiêu biểu là cây nêu của người M’nông hay người K’ho.
 Đồng bào M’Nông vẹn nguyên những nét văn hóa của Lễ cúng cổng buôn làng.
 Với người Ê đê, cây nêu có chiều cao thấp hơn, do các lễ hội của người Êđê phần lớn được tổ chức trong nhà dài nên cây nêu của đồng bào thường giới hạn về chiều cao.
 Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc M’nông và Ê Đê thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng sâu sắc giữa hai dân tộc sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk và Thừa Thiên Huế.
 Khung cảnh lễ cưới hỏi người Êđê bên cây nêu trong Không gian nhà dài truyền thống.
 Cây nêu mang những nét đặc trưng văn hóa từ xưa đến nay luôn được đồng bào ở Tây Nguyên bảo tồn và lưu giữ. Nét văn hóa ấy đang góp phần cho sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên giàu phong tục, tập quán và lễ hội.
N.Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN