Cấp mã số cơ sở nuôi tôm: Không thể chậm trễ hơn được nữa
(ĐCSVN) - Tôm là một trong những ngành hàng chủ lực, chiếm lượng xuất khẩu lớn trong kim ngạch của ngành thủy sản Việt Nam. Với những kết quả khả quan trong những năm gần đây cho thấy ngành tôm vẫn trên đà tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, chính việc chậm trễ trong việc cấp mã số vùng nuôi đang vô tình cản trở đến việc truy xuất nguồn gốc của ngành hàng tỷ đô này.
Ảnh minh họa. Nguồn: BT |
Trong năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD thì ngành hàng tôm đã chiếm tới 3,7 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy trong điều kiện khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng mặt hàng tôm vẫn mang về giá trị xuất khẩu 1,5 tỷ USD cho ngành hàng thủy sản (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD). Dự kiến trong năm nay, tôm sẽ đạt cả về năng suất, sản lượng và cả giá trị xuất khẩu.
Hiện nay, tôm của Việt Nam đang đứng đầu thị phần tại một số thị trường lớn so với các đối thủ cạnh tranh khác như Ấn Độ hay Ecuador. Điều đó cho thấy tôm là ngành hàng có tiềm năng rất lớn và một trong những thế mạnh chủ lực của ngành thủy sản.
Tuy nhiên, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc và ngành hàng tôm không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc của ngành hàng tôm vẫn đang ở con số rất hạn chế. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, lũy kế đến hết tháng 6 năm 2021, tổng số cơ sở nuôi tôm nước lợ được cấp mã số mới chỉ đạt 7.274/478.000 cơ sở. Đây là một tỷ lệ còn rất khiêm tốn so với yêu cầu hiện nay.
Trên thực tế, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã nêu rất rõ vai trò của địa phương về công tác này. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Nhưng, qua thời gian triển khai, với số liệu trên của Tổng cục Thủy sản cho thấy, công tác này vẫn đang triển khai còn rất chậm. Nguyên nhân được xác định do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, đồng thời, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Một số địa phương có cơ sở nuôi ở địa bàn xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số (cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh) nên khó khăn khi thực hiện.
Đặc biệt, vấn đề nổi cộm nhất đang vướng mắc hiện nay, đó là nhiều cơ sở nuôi tôm không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Hợp đồng giao, cho thuê đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hoặc do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây lâu năm, đất ven sông,…nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Chính vì vậy, người dân gặp khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, nhiều cơ sở đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản (không lấy được sổ ra để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng).
Trên thực tế, vấn đề triển khai chậm việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm, về phía cộng đồng doanh nghiệp đã có rất nhiều ý kiến. Bởi vấn đề này đang gặp phải yêu cầu của thị trường Mỹ và các thị trường khác có yêu cầu về truy xuất theo cách tiếp cận của các nhãn hàng lớn. Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP, về công tác này, mặc dù theo quy định thuộc về trách nhiệm của các địa phương nhưng rõ ràng công tác “nhạc trưởng” trong công tác điều hành vấn đề mang tính quốc gia thì chính Tổng cục Thủy sản cần có những vai trò nhất định để thúc đẩy việc cấp mã số cho cơ sở nuôi tôm.
Để giải quyết vấn đề này của ngành hàng tôm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã từng chia sẻ quan điểm: Riêng về truy xuất nguồn gốc của ao nuôi tôm, đang chịu ảnh hưởng của Luật Đất đai. Do đó, một mặt cần có những kiến nghị để sửa lại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, đây không chỉ là việc của riêng Bộ NN&PTNT mà còn là của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ NN&PTNT sẽ chủ động mời Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn cùng để phổ biến tới các địa phương tháo gỡ khó khăn này nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho ngành tôm, từ đó, đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của các thị trường.
Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của ngành hàng tôm mang lại cho ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Chính vì vậy, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng gắt gao của các nước nhập khẩu về đảm bảo truy xuất nguồn gốc thì chính việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm của nước ta cần được đẩy nhanh hơn nữa để tạo đà tăng tốc cho ngành hàng tôm. Cần sớm tháo gỡ những vấn đề, vướng mắc liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sớm cấp được nhiều mã số vùng trồng, tạo cơ sở pháp lý và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường các nước.
Mặt khác, mỗi người dân tham gia nuôi trồng tôm cần nhận thức rõ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi là việc làm cần thiết để cùng tham gia với Nhà nước tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm cho sản phẩm tôm, từ đó khẳng định thương hiệu cho ngành hàng tôm của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây cũng chính là công tác quan trọng để nâng cao quy trình sản xuất ngành hàng tôm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành hàng này.
Và hơn ai hết, đó là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương khi đã được giao vai trò là cơ quan tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Chính sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương là động lực quan trọng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đẩy nhanh hơn nữa việc cấp mã số cơ sở nuôi cho tôm trên địa bàn. Mỗi địa phương cần thực sự tham gia, thực hiện sát sao vấn đề này, chắc chắn kết quả sẽ thực sự khả quan.
Đến năm 2025, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm có đạt được 10 tỷ USD (trong đó, riêng giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu 8,4 tỷ USD) như mục tiêu đề ra tại Quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng hay không phụ thuộc rất lớn từ trong những phần việc tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm ngay từ bây giờ. Và chắc chắn, không thể còn chần chừ trong việc đẩy mạnh cấp mã số cho cơ sở nuôi tôm. Không thể chậm trễ hơn nữa!.