Cao Bằng: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản kim loại
(ĐCSVN)- Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh vừa ký ban hành Chỉ thị số 31/CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản kim loại trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quán triệt và thực hiện cơ bản đảm bảo hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 19/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản kim loại trên địa bàn tỉnh. Tính chất, mức độ và số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản kim loại giảm dần qua các năm; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt qua công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa được quan tâm, chỉ đạo sát sao, dẫn đến các vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản kim loại vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, nổi lên một số địa bàn như huyện Bảo Lâm, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Hòa An..., trong đó chủ yếu là vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản kim loại như khai thác trái phép; khai thác vượt công suất; khai thác vượt ranh giới, vượt diện tích theo giấy phép; lập không đầy đủ sổ sách để xác định sản lượng khai thác hàng năm; thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách; sử dụng trái phép vật liệu nổ công nghiệp; gây ô nhiễm môi trường...
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế, nêu trên là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các vi phạm trong hoạt động khoáng sản kim loại; chưa có sự vào cuộc quyết liệt của của một số ngành, cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở; chưa kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản kim loại; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra về hoạt động khoáng sản kim loại có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và đồng bộ.
Cao Bằng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản kim loại trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: TL |
Để tiếp tục phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các vi phạm trong hoạt động khoáng sản kim loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 19/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 26/8/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
2. Tăng cường nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các vi phạm trong hoạt động khoáng sản kim loại trên địa bàn.
3. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc quản lý khoáng sản kim loại: (1) Chủ động, thường xuyên nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong quản lý, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản kim loại trên địa bàn. Cơ quan, đơn vị, địa phương nào buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm về khoáng sản kim loại hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ. (2) Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức buông lỏng quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản kim loại; tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước về khoáng sản; thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý hoạt động khoáng sản theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chỉ tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng. (3) Kịp thời rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản kim loại trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và phù hợp với quy hoạch phát triển khoáng sản chung của cả nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch khác của tỉnh và hài hòa với yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đời sống của Nhân dân; không đưa vào quy hoạch các mỏ khoáng sản kim loại có trữ lượng thấp, chiếm nhiều diện tích đất, hiệu quả kinh tế không cao; chỉ bổ sung vào Quy hoạch đối với những dự án chế biến khoáng sản kim loại được gắn với nguồn nguyên liệu khoáng sản, tập trung tài nguyên khoáng sản kim loại từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa khoáng sản kim loại, đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; ngừng cấp phép, không xem xét điều chỉnh tăng quy mô, công suất các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản kim loại đã được cấp phép tại các khu vực khó kiểm soát, hoạt động khai thác tận thu khoáng sản kim loại quý. (4) Rà soát, điều chỉnh bổ sung và thay thế các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản của tỉnh đã ban hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với các cơ quan hành chính tại địa phương, đặc biệt người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản kim loại. Thực hiện điện tử hóa và tiến tới số hóa công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản kim loại trên địa bản toàn tỉnh, theo hướng công khai sản lượng khai thác kê khai thuế định kỳ, tình hình chấp hành pháp luật thuế của các doanh nghiệp, gắn với từng mỏ khoáng sản kim loại đã được cấp phép nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước, quản lý thu thuế và sự tham gia giám sát, phản biện, góp ý của Nhân dân và các cấp chính quyền cơ sở trong quá trình vận hành, khai thác mỏ khoáng sản kim loại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh hóa đơn, xử lý vi phạm trong việc chấp hành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối với các đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản kim loại; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thu từ khoáng sản kim loại.
Đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí; khai thác khi chưa hoàn thành thủ tục, khai thác vượt công suất, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; đối với những trường hợp xác định có dấu hiệu trốn thuế trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản kim loại trên địa bàn thì thực hiện xác minh, điều tra xử lý theo quy định. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu khoáng sản kim loại trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh, giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản kim loại trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát hiện, đấu tranh với hành vi khai thác khoáng sản kim loại trái phép; điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm trong lĩnh vực này bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật./.