Cảnh sát Giao thông có được dừng xe trên đường cao tốc?
(ĐCSVN) - Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, việc Cảnh sát giao thông (CSGT) dừng xe trên đường cao tốc để kiểm soát những lỗi thông thường không nằm trong các quy định là không được phép...
Mới đây, một vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khiến một tài xế tử vong và một cảnh sát bị thương khi lực lượng CSGT dừng phương tiện trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đoạn qua địa phận huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Liên quan đến trường hợp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc do lực lượng CSGT dừng xe, nhiều bạn đọc thắc mắc quy định cụ thể trường hợp này như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, Công ty luật TNHH Việt Tâm (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).
1.Cảnh sát giao thông có được quyền dừng xe trên đường cao tốc để xử phạt vi phạm hàng chính không?
Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04 tháng 01 năm 2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông thì tại Điều 12 quy định: “Các trường hợp được dừng phương tiện”: (1) An toàn, đúng quy định của pháp luật, (2) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông, (3) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cục trưởng Cục cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc công an cấp tỉnh trở lên;
Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, việc lực lượng cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm soát trong một số trường hợp nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn như đã nêu tại mục (1), (2) và (3) nêu trên.
Việc cảnh sát giao thông dừng xe trên đường cao tốc để kiểm soát những lỗi thông thường không nằm trong các quy định nêu trên là không được phép.
Nếu dừng xe trên cao tốc, CSGT sẽ hướng dẫn, đưa các phương tiện vào các lối dừng khẩn cấp trên đường cao tốc, yêu cầu tài xế tắt máy. Phía sau chỗ dừng, lực lượng làm nhiệm vụ phải tổ chức cảnh báo cách đó 150m để báo hiệu cho các xe đang lưu thông, tránh nguy hiểm cho các phương tiện khác đang lưu thông, cũng như lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
2.Trường hợp dừng xe mà xảy ra tai nạn nghiêm trọng thì trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự được áp dụng như thế nào?
Trước hết, muốn xác định được trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm trong vụ tai nạn, chúng ta phải xác định được yếu tố lỗi (lỗi vô ý, lỗi cố ý hay lỗi hỗn hợp). Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, vị trí va chạm do Cơ quan điều tra lập và lời khai của những người làm chứng, bị hại, bị can để xác định được nguyên nhân gây nên vụ tai nạn. Từ đó mới áp dụng trách nhiệm nêu trên đối với người vi phạm.
Nếu việc dừng đỗ xe mà sai quy định thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm hành chính, còn gây ra hậu quả làm chết người thì tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án để xác định trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm dân sự: Áp dụng theo quy định tại Điều 590 và Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trách nhiệm hình sự: Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ án để xác định trách nhiệm về mặt hình sự. Nếu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì tội danh ở đây sẽ được áp dụng theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mức phạt tù từ 7 (bảy) năm đến 15 (mười năm) năm./.