Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh giác với khủng bố truyền thông!

Thứ Tư, 28/07/2021 21:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhìn lại sự kiện xảy ra ở Cuba ngày 11 tháng 7 vừa qua và sự vào cuộc của truyền thông phương Tây, ai cũng thấy rõ sự xuất hiện đáng lo ngại của một hình thức khủng bố mới: khủng bố truyền thông!

1. Sáng chủ nhật hôm đó, vài trăm người dân quận San Antonio de los Banos, cách Thủ đô La Habana 25 km đổ ra đường biểu thị sự bất bình trước tình trạng mất điện và thiếu thốn một số mặt hàng thiết yếu. Nhận được thông tin, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel đã đến tận nơi đối thoại với nhân dân và chỉ đạo các cơ quan chức năng nỗ lực hơn nữa trong giải quyết các khó khăn kinh tế. Đến chiều cùng ngày, tình hình về cơ bản đã trở lại bình thường.

 Ngay tức thì, từ thành phố Maimi, bang Florida, nơi tập trung đông đảo các phần tử Cuba lưu vong phản động cùng các thế lực cực hữu Mỹ, các trang mạng xã hội hoan hỉ giật tít: có biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất trong 3 thập kỷ qua tại Cuba. Ban đầu, chúng đưa ra con số hàng trăm người, sau đó thoải mái nâng lên thành hàng nghìn người chiếm lĩnh các đường phố La Habana và một số địa phương khác! Thông tin bịa đặt này được đăng ngay trên The New York Times, một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ.

 

2. Chiều ngày 11 và ngày 12 tháng 7, Chính phủ Cuba tổ chức họp báo, phát biểu công khai với nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế về nguyên nhân, diễn biến của sự kiện và các giải pháp trước mắt của chính quyền. Một số phần tử quá khích đã bị bắt và chỉ có duy nhất một phụ nữ tử vong. Vậy mà, chương trình Mucho Gusto của kênh Mega thuộc truyền hình của chế độ cực hữu Chile sử dụng hình ảnh đổ máu tại cuộc biểu tình đòi ly khai ở xứ Cataluna (Tây Ban Nha) cách đây hơn 1 thập kỷ để mô tả cảnh “đàn áp đẫm máu” ở La Habana! Chúng quá vụng về, những người trong ảnh mặc đồ rét, còn ở Cuba xứ nhiệt đới quanh năm có bao giờ phải dùng trang phục mùa đông như vậy đâu!

 

3. Báo La Nación (Quốc gia) của chính quyền thân Mỹ ở Áchentina cũng khá vội vàng giật tít lớn: “Phản kháng độc đáo của đông đảo người khiến chính quyền Cuba bất ngờ” và, vụng về thay, báo này đã sử dụng luôn hình ảnh quần chúng tuần hành bảo vệ cách mạng để biến thành bằng chứng về sự “phản kháng độc đáo của đông đảo người”!

 

4. Báo El País (Đất nước) của chính quyền Tây Ban Nha cũng làm trò hề tương tự: lấy hình ảnh quần chúng cách mạng tập trung tại Tượng đài Máximo Gómez tại Thủ đô La Habana cách đây nhiều năm làm bằng chứng cho biểu tình lớn chống chính quyền ở Cuba! Chúng quá cẩu thả, quên không xóa nốt hình ảnh phù hiệu 26-7 (26 Julio), biểu trưng của Phong trào 26-7 do Fidel Castro lãnh đạo như đội chính trị tiên phong của cách mạng Cuba từ năm 1953.

 

5. Một hình ảnh được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội nói về cuộc biểu tình hàng nghìn người ở Đại lộ Malecón dọc bờ biển La Habana! Bộ phận kiểm định hình ảnh của hãng tin AFP đã cảnh báo, đây là cảnh biểu tình ở thành phố Alejandria (Ai Cập) ngày 11 tháng 2 năm 2011 sau sự sụp đổ của chính quyền Hosni Mubarak. Hãng tin Reuters cũng phải thừa nhận điều này!

 

6. Nhật báo ABC cũng của Tây Ban Nha còn trắng trợn hơn, bịa tin một Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cuba xin từ chức để phản đối việc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình! ABC còn sử dụng hình ảnh mà thoạt nhìn cũng thấy không liên quan gì đến Cuba để minh họa cho tin giật gân đó! Đúng là abc hết cỡ!

 

7. Bất nhân hơn nữa, các hãng truyền thông phương Tây còn sử dụng hình ảnh trẻ em đầy máu và đàn ông thương vong lấy từ các cuộc khủng bố của những phần tử côn đồ (guarimba) ở Caracas (Venezuela) hoặc của lực lượng ly khai ETA ở Euskadi (Tây Ban Nha), gán cho chúng cái mác Cuba tàn sát trẻ em và người dân!

 

8. Các trang mạng còn trơ chẽn bịa ra cái tin lãnh tụ Raul Castro tháo chạy đến Venezuela vào hồi 11h37 đêm 11 tháng 7 năm 2021! Chúng lấy hình ảnh Raul đến Costa Rica dự Hội nghị quốc tế năm 2015 để lừa gạt người xem toàn thế giới!

 

9. Sự thật đã lên tiếng: bằng hai thứ tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, một cư dân mạng gay gắt phản đối các trang mạng xã hội đã sử dụng thông tin của cô, chế tác thành tin và ảnh phục vụ ý đồ xấu xa chống phá Cuba. Cô đã hô vang khẩu hiệu: Cách mạng muôn năm !

 

10. Chính Hãng tin Reuters đã giật tít một bài bình luận liên quan đến sự kiện ở Cuba như sau: “Fake news muddies online waters during Cuba protests” (Tin giả làm rối loạn những dòng nước chảy trong những hành động phản kháng ở Cuba). Họ còn chỉ dẫn: Phản kháng là động lực cho sự thay đổi ở Cuba!

 

Từ nhiều năm qua, các thế lực đế quốc và phản động đã giở nhiều chiêu trò nhằm triển khai Chiến lược Diễn biến hòa bình, bạo loạn chính trị, cách mạng sắc màu… nhằm lật đổ các chế độ xã hội chủ nghĩa, các chính quyền tiến bộ trên thế giới. Ở Cuba lần này, chúng thử nghiệm một vũ khí mới, một phương thức lợi hại: đó là lợi dụng truyền thông xã hội làm công cụ tuyên truyền, tập hợp lực lượng, dàn dựng, chỉ huy… Đúng như công luận quốc tế cảnh báo, đây là khủng bố truyền thông, mà các quốc gia độc lập có chủ quyền cần phải hết sức cảnh giác!

Minh Trí (Tin và hình ảnh sưu tầm từ truyền hình Nam Mỹ: https://www.telesurtv.net)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN