Cảnh giác với chiêu lừa đảo bằng hình thức mua hàng trả góp
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, ở một số siêu thị, trung tâm thương mại các địa phương liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo dưới chiêu thức mua hàng trả góp. Nhân dân cần đề cao cảnh giác trước chiêu thức này.
Công an tỉnh Hà Nam đã bắt đối tượng Nguyễn Ngọc Thanh về hành vi lừa đảo
chiếm đoạt tài sản bằng hình thức dùng giấy tờ giả mạo để mua hàng trả góp
tại các siêu thị lớn trên địa bàn.(Ảnh: Công an Hà Nam)
Ngày 25/5, Công an tỉnh Hà Nam đã tạm giữ hình sự đối tượng Lại Thị Loan (SN 1990, trú tại phường Quang Trung, TP Phủ Lý) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu điều tra, chiều 13/7/2016, Lại Thị Loan cùng chồng là Trần Khánh Duy (SN 1982, trú cùng địa chỉ) đến cửa hàng FPT (đường Biên Hòa, TP Phủ Lý) dùng chứng minh nhân nhân dân và bằng lái xe mang tên Lê Thị Bình Minh (SN 1985, trú tại Thượng Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) làm hợp đồng vay Công ty tài chính TNHH HD Sai Son và Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam để mua sản phẩm hình thức trả góp, trả trước 10% tại cửa hàng FPT gồm iPad mini giá gần 7 triệu đồng và điện thoại Cool Pad Fancy giá gần 3,5 triệu đồng. Mua sản phẩm xong, Loan đưa chiếc iPad và điện thoại Cool Pad Fancy cho Duy đi bán lấy tiền tiêu xài rồi cắt đứt mọi liên lạc với các công ty tài chính nói trên.
Tại cơ quan Công an, đối tượng Loan khai nhận được chồng đưa cho giấy chứng minh nhân nhân dân và bằng lái xe mang tên Lê Thị Bình Minh. Lợi dụng ảnh trong chứng minh nhân dân và bằng lái xe đã cũ, mờ, Loan trang điểm giống với ảnh để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 21/2, Phòng cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Hà Nam) đã có lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1971, có hộ khẩu tại Ngõ 7, đường Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội; trú ở Tổ 5, phường Quang Trung, TP. Phủ Lý. Hà Nam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức dùng giấy tờ giả mạo để mua hàng trả góp tại các siêu thị lớn trên địa bàn.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Ngọc Thanh khai nhận, với thủ đoạn dùng chứng minh nhân dân người khác, rồi cắt, dán ảnh của mình, sử dụng nhiều tên khác nhau và tới các cơ sở kinh doanh có giá trị tài sản lớn thực hiện giao dịch mua hàng trả góp để lừa đảo, chiếm đoạt.
Bằng hình thức trên, chỉ trong khoảng 10 ngày, đối tượng đã lừa đảo được 3 điểm kinh doanh gồm: Thế giới di động, Viễn thông A và Siêu thị Viettel trên địa bàn thành phố, mỗi cơ sở 01 điện thoại di động Oppo với tổng trị giá gần 50 triệu đồng.
Ngày 13/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 5 năm tù đối với bị cáo Phạm Văn Quang (SN 1983, thường trú tại phường Đông Hải 1, quận Hải An, Hải Phòng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tải sản.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng 15 giờ ngày 29/3/2016, Phạm Văn Quang sử dụng chứng minh thư nhân dân và giấy phép lái xe mang tên Đoàn Quang Huy đã được dán thay thế bằng ảnh của Quang, đến Công ty Điện máy xanh (ở tổ 9, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để lập hồ sơ mua hàng trả góp. Khi gặp nhân viên siêu thị, Quang hỏi mua điện thoại di động Samsung A7 trả góp. Thấy có dấu hiệu nghi ngờ, nhân viên siêu thị đã kiểm tra dữ liệu trên hệ thống bán hàng thì thấy Quang đã sử dụng chứng minh thư nhân dân và giấy phép lái xe có dán ảnh của Quang với nhiều tên khác nhau ký hợp đồng mua hàng trả góp ở các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngay sau đó, Quang bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Qua kết quả điều tra, cơ quan công an đã xác định, lợi dụng hình thức bán hàng trả góp của Công ty TNHH một thành viên Home Credit Việt Nam, Phạm Văn Quang đã sử dụng giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân của người khác đã được thay thế ảnh của Quang vào để ký 13 hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh với các cửa hàng, siêu thị điện máy trên địa bàn thành phố Hà Nội, để mua điện thoại, máy giặt, cây nước nóng lạnh, tivi, xe đạp điện… với hình thức trả góp hàng tháng để chiếm đoạt tài sản. Đến thời điểm bị bắt, tổng số tiền Quang đã chiếm đoạt của các siêu thị, trung tâm thương mại là 102 triệu đồng.
Từ một số vụ việc xảy ra cho thấy, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng chiêu thức mua hàng trả góp bằng giấy tờ tùy thân giả mạo (như chứng minh nhân dân, bằng lái xe, sổ hộ khẩu mà chúng mua lại ở các tiệm cầm đồ), mục tiêu nhắm vào là các loại hàng có giá trị như: máy tính, điện thoại di động… sau đó chiếm đoạt.
Đáng nói, chiêu lừa đảo trên lại xuất phát từ những kẽ hở kinh doanh của một số công ty chuyên cho vay tiêu dùng hiện nay. Ví dụ như một công ty A là bên cho khách hàng vay tiền khi mua hàng hóa ở siêu thị, khoản tiền doanh nghiệp cho khách hàng vay nhiều hay ít sẽ phụ thuộc giá trị hàng hóa mà khách hàng chọn mua. Ngoài ra, việc có thu hồi được nợ hay không là do Công ty A tự chịu trách nhiệm. Lợi dụng sơ hở này trong phương án kinh doanh giữa công ty A với các siêu thị, đối tượng lừa đảo sẽ dùng các giấy tờ tùy thân, bằng lái xe của người khác nhưng dán ảnh đối tượng lên đó rồi đến siêu thị, trung tâm thương mại làm hợp đồng mua trả góp các loại mặt hàng đắt tiền, nhất là đồ điện tử.
Theo phân tích của một cán bộ điều tra, Công an TP. Phủ Lý (Hà Nam) thì hành vi lừa đảo trên được thực hiện bằng một thủ đoạn khá tinh vi. Các đối tượng đã phát hiện ra một kẽ hở “mất tiền” của các công ty đầu tư vay tiêu dùng khi dịch vụ này tỏ ra còn khá mới mẻ. Lúc đầu thủ đoạn lừa đảo khá đơn giản, thiệt hại không đáng kẻ nhưng đến nay các đối tượng ra tay chuyên nghiệp hơn, tinh vi hơn khiến giá trị tài sản mỗi vụ lừa đảo ngày càng lớn hơn.
Luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay các dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng nở rộ tại các cửa hàng điện thoại, trung tâm điện máy. Bên cạnh mặt tích cực như giải quyết nhu cầu của khách hàng, dịch vụ này còn bộc lộ một số nhược điểm mà các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Để tạo mọi thuận lợi cho khách hàng, việc đơn giản hóa hồ sơ vay và dễ dãi trong khâu thẩm định chính là điểm yếu lớn nhất đối với dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng. Thông thường, nhân viên chỉ nhìn qua loa các giấy tờ cá nhân, không có thiết bị soi chiếu nên không thể phát hiện giấy tờ giả mạo. Bên cạnh đó, nắm bắt được các thông tin mà nhân viên công ty sẽ xác minh nên nhiều băng nhóm lừa đảo có thể phân chia nhiệm vụ cho nhau và cùng phối hợp để thực hiện hành vi -Luật sư Phạm Thanh Tùng phân tích.
Luật sư Phạm Thanh Tùng cho biết thêm: Nếu sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản, đối tượng sẽ bị xử lý cả 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Từ một số vụ việc lừa đảo đã xảy ra, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan chức năng khuyến cáo, các siêu thị và trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh bán hàng dưới hình thức mua bán trả góp cần đề cao tinh thần cảnh giác; đặc biệt là khi giao dịch có biện pháp kiểm tra, bố trí bộ phận an ninh chuyên trách để thẩm định hồ sơ khách hàng, không tạo kẽ hở để kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt và có những quy định ràng buộc rõ ràng đối với người mua bằng hình thức trả góp; cần có động thái kiểm tra ngược lại về thông tin người mua hàng để nhanh chóng phát hiện và lật tẩy màn kịch của đối tượng lừa đảo.
Với hoạt động kinh doanh, vay tín chấp tiêu dùng, bên bán hàng và bên cho vay phải thực hiện nghiêm ngặt thủ tục thẩm định; đồng thời đào tạo cho nhân viên các kỹ năng, trang bị máy móc để phát hiện hành vi lừa đảo. Cạnh đó, người dân cần giữ gìn cẩn thận các giấy tờ cá nhân, không tạo kẽ hở cho đối tượng lừa đảo lợi dụng. Không cung cấp thông tin cá nhân, bạn bè, người thân cho các đối tượng mới quen. Không nên quá tin tưởng vào các thông tin quảng cáo, cho vay trên mạng./.