Cảnh báo, tuyên truyền nhằm giảm nguy cơ từ nấm độc
(ĐCSVN) - Những năm qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độ nấm, gây thiệt mạng rất thương tâm. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tích cực có chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng ngừa cho người dân.
(Ảnh: Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai)
Ngày 20/3, một gia đình ở Chi Lăng, Lạng Sơn vào rừng hái nấm tươi về ăn. Khoảng 6-10 tiếng sau, 3 người trong gia đình có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, nôn nhiều. Các bệnh nhân được chuyển gấp lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.
Trưa 20/5, sau khi ăn bát canh được nấu từ một loại nấm rừng, 6 thành viên trong một gia đình trú tại bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và lên cơn co giật.
Trước đó, ngày 7/6/2016, 7 người trong một gia đình trú tại buôn Kuốp, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã bị ngộ độc do ăn nấm lạ. Hai thành viên của gia đình trên trong khi đi chơi ở khu vực thác Đray Nur, huyện Krông Ana phát hiện một số cây nấm có màu trắng nên đã hái mang về xào với mì tôm cho cả nhà ăn. Sau khi ăn được khoảng một giờ, cả 7 người ăn nấm đều xuất hiện triệu chứng buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt...
Tại tỉnh miền núi Kon Tum, một vụ ngộ độc do ăn nấm rừng đã xảy ra ngày 30/5/2016 tại gia đình anh A Iếc, làng Ri Mẹt, xã Đắk Môn, huyện Đắk Glei. Sau khi ăn bữa sáng cùng món canh nấm gia đình tự hái sau vườn khoảng 1 tiếng, cả 3 người gồm anh A Iếc (42 tuổi), anh A Dui (37 tuổi) và chị Y Dơm (45 tuổi) đều có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy. Vào ngày 22/5/2016, cũng ở huyện Đắk Glei (làng Nú Vai, xã Đắc K’roong) đã xảy ra một vụ ngộ độc nấm rừng khiến 5 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu.
Nếu để ý từ các số liệu trên, chúng ta sẽ thấy cứ từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm thường xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm. Bởi thời gian này thời tiết, đặc biệt ở vùng nhiều rừng núi, thường ẩm ướt hơn, những cơn mưa rào bất chợt của mùa hạ sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loài nấm “đua nhau mọc sau mưa”. Trong đó có rất nhiều loài nấm độc, gây chết người.
Địa bàn xảy ra ngộ độc nhiều là các địa phương vùng cao, miền núi. Trong số người ngộ độc nấm đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy công tác khuyến cáo, tuyên truyền phòng ngừa nâng cao nhận thức cho người dân về nấm độc tại các địa phương vẫn chưa được chú trọng, làm tốt. Và thực tế đã chứng minh, như “đến hẹn”, vào mùa nấm lại liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng.
Thêm nữa, hiện nay trên các trang mạng xã hội xảy ra tình trạng thông tin chưa có kiểm chứng về công dụng, tác dụng của các loài nấm. Những thông tin này đã khiến nhiều người thiếu hiểu biết mà lầm tưởng làm theo hái nấm về ăn, và tác dụng “thần dược” thì chưa thấy, nhưng việc ngộ độc là nhãn tiền.
Mặt khác, từ các vụ ngộ độc nấm xảy ra cho thấy, nấm thường được lấy về chế biến thành các món xào, món canh cho cả nhà, do đó các ca ngộ độc thường nhiều người, tỷ lệ tử vong cũng rất cao.
Theo Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên (Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai): Ngộ độc nấm rất nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong nhiều nhất so với các loại rau độc, do nấm chứa các độc tố muscarin, phallatoxin, amatoxin… gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn cũng có thể gây độc, thậm chí làm chết nhiều người. Điều đáng nói, các ca ngộ độc thường là “chùm” cả gia đình với tỷ lệ 50% tử vong, xảy ra đa số ở các tỉnh miền núi.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái bất cứ loài nấm hoang dại nào để ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả… Chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi hay dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.
Khi có biểu hiện ngộ độc, nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Bởi thông thường triệu chứng của ngộ độc nấm mới đầu có thể rất mơ hồ, nhiều người không đến bệnh viện; khi các triệu chứng xuất hiện trở lại thì đã hôn mê, tổn thương gan nặng.
Trở lại một số ca ngộ độc nấm đã liệt kê ở đầu bài viết, không phải là hy hữu do nhầm lẫn, mà thực tế đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc nấm như vậy xảy ra từ nhiều năm trước tới nay, dù các phương tiện thông tin truyền thông đã đưa các thông tin nhắc nhở người dân.
Thiết nghĩ, để giảm thiểu tình trạng này, đơn vị chuyên môn, nhất là ngành y tế, nông nghiệp cần chỉ đạo cán bộ tập huấn cho người dân nhận dạng, phân biệt nấm độc, đồng thời tuyên truyền bằng hình ảnh, loa phát thanh… xuống tận thôn, xóm. Khi bị ngộ độc phải có biện pháp xử trí ngay tại chỗ.
Nên chăng cũng cần siết chặt quản lý việc cung ứng, buôn bán các sản phẩm nấm trên thị trường hiện nay, tránh những sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc bất cứ lúc nào.