Cảnh báo mạo danh hãng vận chuyển FedEx để lừa đảo
(ĐCSVN) - Dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mạo danh hãng vận chuyển FedEx, tuy nhiên người dân cần cảnh giác trước những cuộc gọi lạ, tỉnh táo để nhận biết được các dấu hiệu bất thường có nguy cơ lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo.
Vừa qua, một phụ nữ (40 tuổi, trú tại Bengaluru, Karnataka, Ấn Độ) trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo liên quan tới dịch vụ vận chuyển FedEx, chỉ trong vòng 2 ngày đã bị lừa mất hơn 10 triệu rupee (tương đương 3 tỷ đồng). Người này nhận được cuộc gọi từ số lạ tự xưng là nhân viên làm việc trong lĩnh vực logistics tại công ty FedEx, thông báo rằng có một kiện hàng đứng tên nạn nhân được vận chuyển, bên trong kiện hàng có chứa 200g thuốc lắc; rồi nạn nhân tiếp tục nhận được cuộc gọi khác từ một người tự xưng là cảnh sát thuộc Đội phòng chống hành vi sử dụng và tàng trữ chất cấm (NDPS), thông báo lệnh bắt giữ khẩn cấp, điều này làm cho nạn nhân hoảng sợ…
Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác trước các cuộc gọi mạo danh và tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền cho người lạ (Ảnh: Cục An toàn thông tin cung cấp) |
Các đối tượng lừa đảo đã thao túng và đe dọa nạn nhân trong một khoảng thời gian khá dài, yêu cầu nạn nhân vào phòng kín và thực hiện cuộc gọi hình ảnh qua ứng dụng Skype. Trong khi gọi, bọn chúng yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin cá nhân và liên tục buộc tội nạn nhân, chúng cho biết tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã có những giao dịch liên quan tới rửa tiền. Nhóm tội phạm cũng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào ngân hàng RBI (Ấn Độ) nhằm xác nhận và kiểm chứng việc nạn nhân không có liên quan tới các cáo buộc trên, sau khi xong việc sẽ trả lại tiền.
Sau khi chuyển tiền và làm theo hướng dẫn, người phụ nữ không nhận lại được số tiền đã chuyển, nên đã báo cho lực lượng công an sở tại.
Trước đó, tại hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Việt Nam tổ chức đầu tháng 5/2024, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội.
Số đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, chúng thành lập các “công ty” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng để hoạt động phạm tội tại Việt Nam.
Do đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục đưa ra cảnh báo các đối tượng thường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những phương thức, thủ đoạn mới, hoàn hảo, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, những sơ hở, bất cập để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong việc xác minh, điều tra, xử lý…/.