Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần trân trọng và nỗ lực giữ gìn thành quả chống dịch

Thứ Bảy, 25/09/2021 11:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hà Nội chưa hoàn toàn là “vùng xanh”, nguy cơ dịch tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng là rất lớn. Nhưng đáng tiếc, gần như ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, dần nới lỏng một số hoạt động nhằm thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh, rất nhiều người đã tỏ ra lơ là, chủ quan...

 Rất nhiều người dân Hà Nội tập trung tại các tuyến phố lớn trong đêm Trung Thu, 21/9 (Ảnh: PV)

Sau 2 ngày triển khai thực hiện Chỉ thị 15, nét dễ nhận ra nhất đó là đường phố Hà Nội đã trở nên nhộn nhịp, đông đúc; lưu lượng người và phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng đột biến. Đặc biệt, ngay trong đêm đầu tiên thực hiện Chỉ thị 15, cũng là đêm Trung thu (21/9), hàng loạt tuyến phố trung tâm Hà Nội đã chật kín phương tiện khi người dân đổ ra đường cùng nhau đi đón Trung thu. Rất đáng trách là, nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng, trong khi các em chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Sẽ ra sao nếu giữa “biển người” chen chúc nhau trên các tuyến phố không may có một vài trường hợp dương tính với COVID-19? Liệu rằng khi đó, những thành quả phòng, chống dịch đã được đánh đổi bằng biết bao sự cố gắng của hàng vạn con người, của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch có được bảo toàn?

Thực tế, trên các diễn đàn mạng xã hội cũng đã có không ít ý kiến biện minh cho việc nhiều người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu. Họ cho rằng, sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, người dân cảm thấy bí bách nên ra đường để... giải tỏa tâm lý. Hoặc như, tình hình dịch của Hà Nội đã tạm ổn, người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 nên dịch sẽ ít nguy cơ lây lan... Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, đây chỉ là sự ngụy biện để che đậy, bảo vệ cho những cá nhân có thái độ chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và thiếu trách nhiệm trước sự an toàn của cộng đồng xã hội.

Suốt 2 tháng qua, cả hệ thống chính trị của Thủ đô đã cùng vào cuộc, các địa phương, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng y tế, công an, quân đội phải căng mình trên tuyến đầu chống dịch. Cùng với đó, hàng triệu người dân Thủ đô, những người có ý thức trách nhiệm đã tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch với mong muốn sớm đẩy lùi dịch COVID-19. Hàng vạn con người đã hy sinh quyền lợi cá nhân, bất chấp nguy hiểm để góp phần làm nên những thành quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch của Thủ đô. Đáng tiếc, theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, “những thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố đang bị thách thức rất lớn” bởi sự chủ quan, thiếu ý thức của một số cá nhân. Bởi việc người dân đi lại nhiều, nhất là việc tập trung quá đông trong đêm Trung thu đã và đang làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Không phải ngẫu nhiên trong Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 20/9, thành phố đã nhấn mạnh đến việc “tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nóng vội trong phòng, chống dịch”, đồng thời kêu gọi mỗi người dân cần tiếp tục là một chiến sĩ trên pháo đài chống dịch; tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. PGS,TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) nhận định, nguy cơ bùng phát dịch sau việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu rất lớn, vì cơ bản người dân mới được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19; các em nhỏ thì chưa được tiêm vaccine. Việc này có thể gây ra những chuỗi lây nhiễm mới, đe dọa đến những nỗ lực chống dịch của Thủ đô trong nhiều tháng vừa qua.

 PGS, TS Nguyễn Huy Nga. (Ảnh: NVCC).

Còn theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội vẫn còn rất cao. Việc vẫn xuất hiện rải rác các ca dương tính mới cho thấy các ca F0 tại cộng đồng vẫn chưa thể được phát hiện và cách ly toàn bộ. Nếu những sự việc tương tự như đêm Trung thu tái diễn thì sẽ vô cùng nguy hiểm!

Sự bùng phát nghiêm trọng của dịch COVID-19 ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua chính là bài học lớn về tính chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch. Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, người dân vô tư đi du lịch, tập trung đông người, coi nhẹ giãn cách... Và những gì diễn ra sau đó ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam thực sự là sự trả giá quá đắt cho tâm lý lơ là, chủ quan. Số ca dương tính mỗi ngày lên tới hàng ngàn ca; số ca tử vong cũng tăng cao. Đã có hàng nghìn trẻ em bị mồ côi sau khi cha mẹ bị COVID-19 cướp đi... Những mất mát, đau thương này hoàn toàn có thể được hạn chế nếu mỗi người dân nêu cao cảnh giác, chủ động trong phòng, chống dịch!

Xin được nhấn mạnh, đến nay Hà Nội vẫn chưa hoàn toàn là “vùng xanh”. Nhiều nơi vẫn tiếp tục xuất hiện những ca F0 tại cộng đồng. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh bùng phát luôn hiện hữu. Do đó, mỗi người dân Thủ đô cần trân trọng và nỗ lực góp phần bảo vệ thành quả chống dịch trong thời gian qua. Theo đó, người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và không tập trung đông người. Cần tuân thủ nghiêm quy định “5K”; nỗ lực bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”. Đó là cách để mỗi người tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và chung sức, đồng lòng cùng Thủ đô ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19./.

Phạm Minh Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN