Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần tăng cường đầu tư cho khả năng tiếp cận với nước sạch

Thứ Ba, 25/10/2022 14:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố ngày 24/10 cho thấy đầu tư vào khả năng tiếp cận với nước sạch cần được tăng lên gấp 4 lần để đạt được mục tiêu phát triển bền vững này vào năm 2030.

Một cô gái uống nước máy tại nhà ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: UNICEF)

Theo báo cáo, mặc dù đạt được nhiều tiến bộ ngoạn mục trong 20 năm qua song 1/4 dân số thế giới vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt, trong khi biến đổi khí hậu và bùng nổ đô thị ngày càng đe dọa khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng này.

Quy tắc này đã được khẳng định trong nhiều thế kỷ: nỗ lực cải thiện việc cung cấp nước sạch cho người dân đã mang lại tiến bộ về sức khỏe cộng đồng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm đáng kể. Và 2 tỷ người đã được tiếp cận với dịch vụ quan trọng này trong hơn 20 năm qua cũng không phải là ngoại lệ.

Theo nghiên cứu của WHO, UNICEF và WB, đối với tất cả những người không còn phải đi bộ hàng giờ mỗi ngày để lấy nước thường không an toàn để uống, lợi tức đầu tư, về mặt sức khỏe và năng suất, lớn hơn gấp 3 lần so với chi phí ở khu vực thành thị và lớn hơn 6 lần ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, tiến bộ tích cực này vẫn còn mong manh, bất bình đẳng và thiếu công bằng. 2 tỷ người khác, tức là 1/4 dân số thế giới, vẫn đang bị thiếu nước sạch, với những hậu quả vẫn còn bi thảm. Mỗi năm, 1,5 triệu người, chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ em, tử vong vì các bệnh có thể phòng tránh được do nguồn nước không an toàn.

Bà Maria Neira, Giám đốc Cơ quan Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO, nhắc lại: “Tiếp cận với nước sạch đã cứu được nhiều sự sống, trước hết là trẻ em, nhưng biến đổi khí hậu đang làm xói mòn những tiến bộ này”. Hạn hán và lũ lụt thường xuyên làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh nguồn nước, làm gián đoạn nguồn cung cấp và tàn phá các cộng đồng.

Theo các tác giả của báo cáo, cần huy động hành động toàn cầu và tăng gấp 4 lần đầu tư của các quốc gia và các tổ chức quốc tế để đạt được mục tiêu phát triển bền vững về tiếp cận phổ cập nước sạch trước năm 2030. Đó là “một cái giá nhỏ phải trả cho hàng triệu sinh mạng được cứu”.

Báo cáo về tình hình nguồn nước trên thế giới vừa được công bố là báo cáo đầu tiên nêu bật các mối liên hệ giữa nước, sức khỏe và phát triển một cách rất chính xác, đưa ra khuyến nghị cho các chính phủ và các đối tác quốc tế cùng với các minh chứng về những chiến lược được nhiều quốc gia khác nhau áp dụng để đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập với nước sạch.

Ông Saroj Khumar Jha, Giám đốc Cơ quan Thực hành Toàn cầu về Nước của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết: “Đầu tư vào nước và vệ sinh là cần thiết cho sức khỏe, tăng trưởng kinh tế và môi trường”. Theo ông, trẻ em khỏe mạnh trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và xã hội.

WHO, UNICEF và WB nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần tăng mạnh đầu tư và cam kết chính trị. Kinh phí cũng phải được tăng lên để đảm bảo hoạt động tối ưu và hiệu quả. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực phải đi kèm với việc đào tạo và đề bạt nhân lực có trình độ cũng như tiếp cận với các đổi mới công nghệ. Những nỗ lực quản trị này cũng đòi hỏi tiến bộ trong việc thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn về sự bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch và góp phần đưa ra quyết định tốt hơn cho dịch vụ quan trọng này.

Giám đốc Cơ quan Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO Maria Neira nêu rõ cần tăng cường nỗ lực của chúng ta để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi từ việc tiếp cận nguồn nước đáng tin cậy. Đó không phải là điều xa xỉ, đó là quyền của con người./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN