Cần siết chặt quản lý loại hình lao động giúp việc gia đình
(ĐCSVN) - Nếu tìm kiếm bằng cụm từ khóa “giúp việc (ô sin) trộm cắp đồ” trên mạng Internet, lập tức sẽ cho hàng nghìn kết quả. Điều đó cho thấy độ phức tạp của loại hình lao động này. Cơ quan chức năng và các nhà quản lý cần tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý, đề phòng sự biến tướng thành một thủ đoạn nguy hiểm cho kẻ xấu lợi dụng gây thảm họa cho các gia đình.
Thực nghiệm vụ trộm tài sản giá trị lớn xảy ra tại khách sạn Hoàn Kiếm (P. Vỹ Dạ, TP.Huế) tối 10/2với đối tượng Phan Thị Hòa và tang vật vụ án. (Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp)
Sau thời gian phối hợp tích cực với công an các đơn vị, địa phương điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã nhanh chóng xác định được nghi phạm vụ trộm cắp tài sản giá trị lớn xảy ra tại khách sạn Hoàn Kiếm (P. Vỹ Dạ, TP.Huế) tối 10/2/2017 là Phan Thị Hòa (32 tuổi, trú tại thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ngày 11/2, đối tượng này đã bị bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Hòa khai nhận, lúc còn làm thuê cho chủ khách sạn Hoàn Kiếm, Hòa biết rõ "đường đi lối lại" trong nhà và nhiều lần quan sát thấy ông bà chủ nhà đếm, cất tiền nên nảy sinh lòng tham. Từ tháng 10/2015 đến khi nghỉ việc, Hòa đã liên tục 9 lần lấy trộm tài sản của chủ khách sạn Hoàn Kiếm, chiếm đoạt số tài sản khoảng 70 lượng vàng. Sau khi lấy được tài sản, Hòa đem bán để chi tiêu, xây nhà, gửi tiết kiệm, cho vay và đầu tư góp vốn 500 triệu đồng làm ăn với một công ty... Khám xét khẩn cấp nơi ở của Hòa tại xã Phú Mậu, cơ quan công an thu giữ một số tài sản gồm: 2,7 lượng vàng, 11 triệu đồng, 1 sổ tiết kiệm 260 triệu đồng mang tên Phan Thị Hòa và một số tài liệu sổ sách ghi nợ, buôn bán khác...
Trước đó, khoảng cuối tháng 11/2016, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tạm giữ Khúc Thị Hiền (36 tuổi, quê Phú Thọ) và chồng là Nguyễn Tự Hào (40 tuổi) về hành vi trộm cắp tài sản. Tại cơ quan điều tra, nữ nghi phạm khai nhận, giữa tháng 10/2016, cô ta đến nhà ông Nguyễn Văn N. giúp việc thông qua trung tâm môi giới việc làm. Ngày 18/10, trong lúc dọn phòng ngủ của gia chủ, Hiền thấy chùm chìa khóa nên đem mở tủ trong phòng. Sau khi lấy trộm số tiền gần 1,6 tỷ đồng, nữ giúp việc mang về chỗ ở, đồng thời gọi chồng từ quê xuống Hà Nội để đưa số tài sản trên về quê cất giấu.
Ngoài ra, còn vô số các vụ trộm cắp tài sản của gia chủ mà thủ phạm là người giúp việc với các thủ đoạn khác nhau như: trộm đồ của gia chủ rồi tạo hiện trường giả nhà bị trộm đột nhập; dàn cảnh ở nhà một mình bị trộm (cướp) vào khống chế lấy tài sản; đánh thuốc mê trộm cắp đồ của gia chủ...Thậm chí, các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp còn giả dạng giúp việc để hành nghề…với vụ nhỏ tiền triệu đến vài trăm triệu, vụ lớn lên đến tiền tỷ như đã viện dẫn ở trên.
Có thể thấy, trong những năm qua, lực lượng lao động giúp việc gia đình đã gia tăng nhanh chóng. Và đi cùng với đó là một thực tế, sự quản lý hình thức lao động này còn bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ. Về pháp lý đã có quy định của pháp luật về loại hợp đồng lao động giúp việc và hướng dẫn tại các điều, khoản tương đối đầy đủ, rõ ràng (Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình), nhưng hiệu quả áp dụng lại rất thấp, nghề giúp việc hiện nay vẫn có dấu hiệu phát triển một cách tự phát.
Từ một số vụ việc có thể thấy, nguyên nhân của các sự vụ một phần bắt nguồn từ việc các gia chủ khi thuê người giúp việc không tìm hiểu kỹ mà chỉ dựa vào cảm tính, thông qua giới thiệu của người quen biết, hợp đồng miệng nên bỏ qua các khâu tìm hiểu nhân thân, lai lịch của người giúp việc; thậm chí có trường hợp không khai báo tạm trú với cơ quan chức năng.
Nguyên nhân khác xuất phát từ những trung tâm giới thiệu việc làm không làm tốt khâu thẩm định, xác minh nhân thân, lai lịch của người giúp việc, chỉ vì lợi nhuận mà một số trung tâm giới thiệu việc làm đã bỏ qua phần kiểm chứng thông tin cá nhân của người xin việc dẫn đến các đối tượng trộm cắp trà trộn vào lợi dụng ra tay trộm tài sản của gia chủ. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà lơ là, mất cảnh giác trong việc cất giữ tài sản, dù có người lạ trong nhà nhưng tài sản vẫn để một cách hớ hênh vô tình khiến người giúp việc nổi lòng tham. Có trường hợp do nợ nần, túng thiếu, nhu cầu cá nhân nên khi đối diện với số tài sản lớn người giúp việc không kiềm chế được lòng tham nên ra tay phạm tội.
Về giải pháp phòng ngừa, trước tiên các gia chủ cần đề cao cảnh giác với những người không có nhân thân, lai lịch rõ ràng. Các gia đình có thuê người giúp việc trong nhà cần có hợp đồng lao động rõ ràng, tuyển chọn người thông qua công ty tuyển dụng uy tín; ngay từ đầu mới đến ở phải thông báo lưu trú, đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Đối với tài sản, dù có giá trị lớn hay nhỏ đều phải cất giữ cẩn thận, tránh để tài sản một cách hớ hênh...
Giúp việc đang dần trở thành một nghề được xã hội công nhận. Chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của người giúp việc gia đình trong xã hội hiện đại. Nhưng để loại hình lao động này phát triển lành mạnh, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nông nhàn ở các địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là tuân thủ quy định của Luật Cư trú đối với người lưu trú, tạm trú, tạm vắng./.
Điều 138 của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội “Trộm cắp tài sản”
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng."