Cần nói "không” với những trò chơi phản cảm
(ĐCSVN) - Những trò chơi diễn tả lại nhiều động tác phản cảm xuất hiện trong hình thức du lịch team building hiện nay khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.
Ít năm trở lại đây, trong các chuyến du lịch dã ngoại hay tiệc tùng liên hoan, tất niên, không ít cơ quan, đơn vị, công ty lên kế hoạch tổ chức trò chơi tập thể. Những trò chơi team building (tạm dịch: là xây dựng đội ngũ, đội nhóm...) trong các chương trình dã ngoại rất được các đơn vị ưa chuộng. Việc tổ chức các trò chơi tập thể trong một hoạt động team building là phần không thể thiếu bởi nó tăng cường sự gắn kết mọi người trong tập thể.
Tiêu biểu cho một số team building lành mạnh như: Trò chơi “Bóng chuyền đỉnh cao” với nội dung đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và khéo léo giữa các thành viên để có thể di chuyển được trái bóng. Mục đích trò chơi đề cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc nhóm chính là mục đích của trò chơi. Trò chơi “Dời trứng” đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của đồng đội, sự khéo léo và đồng nhất ý kiến để hoàn thành mục tiêu. Trong cuộc sống và công việc cũng vậy, để làm việc nhóm hiệu quả cần chung sức đồng lòng của cả đội với mục đích đề cao tinh thần đoàn kết, sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc nhóm. Trò chơi “Keo sơn một nhà” khích lệ tinh thần rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và khả năng kết nối ăn ý giữa các thành viên trong một đơn vị, tập thể...
Thế nhưng, một thực tế cũng rất đáng suy nghĩ là bên cạnh những trò chơi lành mạnh, phát huy tinh thần làm việc nhóm, đoàn kết tập thể cần được khuyến khích thì vẫn còn tồn tại những trò chơi thiếu lành mạnh, dung tục, mang tính phản cảm. Nó khiến không ít người trong cuộc chơi lẫn người xem phải... ngượng ngùng.
Nếu bỏ chút thời gian lên mạng tìm kiếm, chúng ta sẽ tìm được không ít các video trò chơi phản cảm trong các chuyến du lịch, dã ngoại team building. Ví dụ như các trò chơi: “Ăn trái cấm”, “ăn chuối”, “bơm bóng”, "đập bóng", "bắt sâu"..., từ thể lệ của trò chơi cho đến phương thức chơi khiến từ người xem cho đến người chơi không khỏi ngượng ngùng hoặc cười gượng gạo khi liên tưởng đến những việc dung tục, khó chấp nhận.
Về xuất xứ của các dạng trò chơi tập thể, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số đều du nhập vào Việt Nam rồi được các công ty tổ chức sự kiện cải biến. Bên cạnh những trò chơi lành mạnh, tạo cảm hứng sáng tạo, đoàn kết trong công việc thì vẫn tồn tại không ít các trò chơi với những tình huống nhạy cảm, thiếu tế nhị, hoặc không phù hợp văn hóa dân tộc, tạo ra những tiếng cười ngượng ngùng phản cảm...
Không thể phủ nhận hiệu quả của những buổi sinh hoạt tập thể mà những trò trơi team building lành mạnh mang lại, bởi nó giúp mọi người được thư giãn, đồng thời giúp gắn kết đơn vị, tập thể. Tuy nhiên, với những trò chơi thiếu tế nhị, phản cảm, bị lạm dụng tổ chức để pha trò lấy những tiếng cười gượng gạo, rẻ tiền, chúng ta cần nói "không". Bởi rõ ràng, những trò chơi đó không phù hợp với văn hóa truyền thống, thậm chí các hoạt động vui chơi giả trí thiếu lành mạnh còn đang vô tình làm mất đi những nét đẹp của văn hóa người Việt.
Thiết nghĩ, để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã đến lúc ngành Văn hóa cần có biện pháp mạnh tay, chấn chỉnh ngay hiện trạng trên. Cụ thể, cần tăng cường quản lý các hoạt động vui chơi giải trí của các công ty tổ chức sự kiện, lữ hành; có các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, để người dân có thể nhận biết và tiếp thu có chọn lọc các hoạt động văn hóa, giải trí du nhập từ nước ngoài. Đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam./.