Cần mạnh tay với nạn “chặt chém” du khách
(ĐCSVN) - Một lái xe taxi ở Khánh Hòa vừa bị công ty sa thải do có hành vi cưỡng đoạt tài sản của hành khách. Có thể nói đây là một trong vô số sự vụ “chặt chém” từng xảy ra ở các địa phương thời gian qua. Pháp luật cần có những chế tài xử lý mạnh tay hơn với hành vi trên trước khi nó trở thành căn bệnh nan y khó chữa.
Trước đó, chiều 13/9, hai du khách du khách Trung Quốc đón taxi của hãng Khánh Hòa do Lê Trọng Quất làm lái xe từ Nha Trang Center về khách sạn, với khoảng cách gần 5 km. Khi đi đến ngã ba đường Dương Hiến Quyền - Phạm Văn Đồng, cách khách sạn Mường Thanh vài chục mét, lái xe Lê Trọng Quất dừng xe taxi, đồng hồ tính tiền trên xe báo số tiền 62.000 đồng nhưng Quất yêu cầu bà Lu Juan phải thanh toán 7,12 triệu đồng. Do quá lo lắng nên bà Lu Juan đã đưa cho lái xe tổng cộng 6 triệu đồng.
Ngay sau đó, du khách này đã đến Công an phường gần đó trình báo. Tiến hành truy xét, các trinh sát của Công an thành phố Nha Trang đã nhanh chóng làm rõ sự việc, Công ty cổ phần Xe khách Khánh Hòa có quyết định sa thải lái xe Lê Trọng Quất.
Ngày 17/9, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công văn đề nghị Công an TP. Hà Nội xử lý nghiêm tài xế taxi “chặt chém” du khách nước ngoài sau vụ việc “chặt chém hành khách” của xe ôtô 4 chỗ biển kiểm soát 30A-562.18 thuộc Công ty TNHH taxi Đại Hòa Phát, chở 2 người khách người nước ngoài đi từ phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Bảo tàng Dân tộc học (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hết 870.000 đồng, trong khi giá thực tế khoảng 150.000 đồng (vào ngày 15/9).
Đây chỉ là hai sự vụ đơn lẻ, nhưng cũng đã đủ phản ánh lên sự "méo mó" của một bộ phận người làm ăn, kinh doanh vì lợi ích trước mắt mà gian dối, đang tâm chà đạp lên đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước trong mắt du khách.
Còn nhớ, hồi tháng 6/2017, khi một nhóm PV của Báo Tri thức Trẻ nhập vai du khách đi taxi ở một số tuyến phố cổ của Thủ đô, thì cũng bị lạc vào “ma trận” chặt chém. Trường hợp thì bị chặt chém kiểu “mua đường”, trường hợp thì cước tính sai, trường hợp thì bị xin “bo” thêm….
Thực tế, nạn chặt chém những năm qua đã biến tướng “muôn hình vạn trạng”, có thể bắt gặp từ người bán rong chặt chém, đến nhà hàng, đi taxi... Hành vi xấu trên diễn ra từ vỉa hè cho đến các khu vui chơi giải trí sầm uất, bãi biển, nhà hàng khách sạn, khu du lịch... Khách ngoại quốc bị "chém đẹp" đành một nhẽ, ngay cả khách du lịch nội địa cũng phải bao phen “ngậm đắng” khi đi du lịch trên quê hương, đất nước mình...
Và một điều đáng ghi nhận, với bất kỳ hành vi “chặt chém” du khách tại các địa phương du lịch nếu được nạn nhân trình báo hoặc dư luận quan tâm phát giác kịp thời thì đều đã được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc, công khai. Tuy nhiên, vấn đề này trên thực tế vẫn chưa trị được tận gốc...
Có thể thấy, việc còn xử lý được thì nạn “chặt chém” du khách không phải là “bệnh nan y”, bởi nó cũng mới bùng phát cách đây vài chục năm, chủ yếu do lòng tham khó chữa của con người và cách thức quản lý nửa vời của chính quyền cơ sở. Bởi cùng làm du lịch, có địa phương làm rất tốt, nhưng cũng có địa phương thì việc triển khai còn nhiều hạn chế...
Trị “bệnh” chặt chém chẳng phải là không có thuốc, mà bài thuốc đơn giản nhất là phải xử lý nghiêm theo luật định. Hình phạt đã có, đối tượng vi phạm phạt hành chính lên đến cả chục triệu đồng, rút giấy phép kinh doanh, cấm hành nghề vĩnh viễn, thậm chí có thể bị xử lý hình sự…
Còn chính quyền các địa phương, để tình trạng này xảy ra tràn lan cũng phải xử lý nghiêm, quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng chứ không thể cứ “phê bình”, rút mãi "sợi dây" kinh nghiệm được. Thêm nữa, cần tuyên truyền rộng rãi, có hình thức động viên, khuyến khích những du khách, người dân tố cáo nạn “chặt chém” để cùng cơ quan chức năng xử lý tận gốc vấn đề.
Đã đến lúc và muộn còn hơn không, chúng ta phải quyết liệt loại trừ các hành vi “chém chặt” đối với khách hàng của các đối tượng tại các địa điểm du lịch. Muốn làm được điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, tổ chức hoạt động du lịch nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh những kẻ có hành vi “chém chặt” du khách.
Trao đổi với Luật sư Lê Cao Cường, Công ty Luật TNHH MTV An Viên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề trên, Luật sư Cường cho biết:
Về hành vi chặt chém đối với khách hàng của các đối tượng có thể quy kết về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự (BLHS). Hình phạt cụ thể là: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cuối cùng là “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Luật sư Lê Cao Cường cho biết thêm: Hành vi “chặt chém” của các đối tượng từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và cuối cùng là đặc biệt nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ tài sản mà các đối tượng chiếm đoạt của du khách, số tài sản chiếm đoạt của khách hàng từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, dưới mức 2.000.000 đồng thì bị xử lý hành chính.
Hành vi nói trên có thể cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mức hình phạt căn cứ vào tính chất hành vi, tài sản bị chiếm đoạt được quy định trong các điều luật. Theo đó, “người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Hành hung để tẩu thoát; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả nghiêm trọng…