Cần lường trước rủi ro khi thực hiện “3 tại chỗ”
(ĐCSVN) - Trước diễn biến rất phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều địa phương phía Nam đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”. Đồng thời, đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng tạo thêm trợ lực để từng bước vượt khó.
Mô hình "3 tại chỗ" từng được thực hiện khá hiệu quả ở nhiều khu công nghiệp tại Bắc Giang (Ảnh: T.L) |
Việc triển khai “3 tại chỗ” - (sản xuất, ăn, nghỉ tại cùng một địa điểm), được kỳ vọng là cứu cánh cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, vừa chống dịch vừa sản xuất. Nhưng với doanh nghiệp các tỉnh phía Nam, điều này không đơn giản. Do không đủ nguồn lực triển khai, quy trình kiểm soát dịch khó khăn do nguồn lây lan rộng khiến nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trở thành nơi lây lan dịch bệnh với tốc độ chóng mặt.
Thực tế, tại một công ty lớn là thành viên của EuroCham ở Đồng Nai, khi phát hiện ca F0 đầu tiên, mất đến cả tuần doanh nghiệp này “kêu cứu” nhưng lực lượng y tế quá tải. Số ca nhiễm tiếp tục tăng trong nhà máy. Nhận thấy tình hình nguy cấp, doanh nghiệp phải nhờ tiếng nói của hiệp hội kiến nghị lên UBND tỉnh mới được hỗ trợ đưa công nhân đi cách ly.
Tương tự, để chuẩn bị cho “3 tại chỗ”, một nhà máy sản xuất quần áo đã thực hiện test sàng lọc cho toàn bộ công nhân làm việc. Khi 100% công nhân âm tính, doanh nghiệp mới hoạt động. Tuy vậy, sau hơn 10 ngày sản xuất, một phân xưởng phát hiện ca dương tính, qua test nhanh ghi nhận thêm gần 20 ca. Công ty buộc phải dừng sản xuất để tìm nguyên nhân thì phát hiện do có công nhân mua đồ bên ngoài và người bán là F0.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, công nhân khó ăn ở tập trung, sống trong điều kiện thiếu thốn, rủi ro lây nhiễm chéo rất lớn nên tạo áp lực và tâm lý lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất phía Nam đều có quy mô rất lớn, lên tới vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn công nhân. Và dù đã thu hẹp quy mô nhà máy để có chỗ trống, song doanh nghiệp cũng không thể bố trí đủ điều kiện để người lao động nghỉ lại trong thời gian dài, bảo đảm các yêu cầu tối thiểu như: tắm giặt, vệ sinh cá nhân, quản lý an toàn…
Với tiềm lực và quy mô sản xuất lớn, có đủ mặt bằng đáp ứng yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp dù đã thể hiện quyết tâm thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng đến nay cũng đã phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm phần nào hoạt động của doanh nghiệp, tránh viêc đứt gãy sản xuất, bị đối tác phạt hợp đồng… Nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng khoảng 25 - 30% lao động, số còn lại sẽ được luân phiên để tất cả đều được tham gia sản xuất, bảo đảm thu nhập.
Còn với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, việc thực hiện “3 tại chỗ” là cực kỳ khó khăn khi tiềm lực hạn hẹp, khả năng cạnh tranh thấp, mặt bằng sản xuất nhỏ vốn đã không đáp ứng được những quy định tối thiểu về giãn cách trong sản xuất. Đó còn chưa tính đến chuyện bố trí nơi ở, khu vệ sinh, tắm giặt, phơi quần áo..., trang bị, vật dụng cần thiết phục vụ cho công nhân.
Không chỉ vậy, đối với lao động nữ, đội ngũ chiếm phần đông đảo tại các doanh nghiệp dệt may, da giày, bên cạnh việc cố gắng cam kết và thực hiện “3 tại chỗ” để tham gia sản xuất, duy trì thu nhập, ổn định phần nào cuộc sống giữa thời đại dịch… thì canh cánh trong họ là nỗi lo thu vén gia đình, chăm lo con cái về ăn ngủ, học hành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần cũng như năng suất lao động. Và trên tất cả là nỗi lo về sự an toàn giữa thời dịch bệnh, thứ mà chẳng ai có thể nói trước được điều gì…
Theo khảo sát sơ bộ của Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) với 100 doanh nghiệp hội viên, hiện có 29 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 71 doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”; trong đó, có 8 doanh nghiệp đã xuất hiện ca F0 trong nhà máy. Trước thực trạng này, việc có chiến lược tổ chức sản xuất an toàn với doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Duy trì sản xuất trong giai đoạn này không đơn giản. Đặc biệt trong những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp rất dễ bị tổn thương. Vì có những trường hợp ủ bệnh chưa phát hiện được ngay qua xét nghiệm nhanh. Do đó, mỗi doanh nghiệp phải tập trung nâng cao nguồn lực để kiểm soát các nguy cơ; tổ chức diễn tập ngay trường hợp phát hiện có F0 trong doanh nghiệp để chủ động ứng phó, trấn an tinh thần công nhân kịp thời. Thực tế, có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dệt may, điện tử, da giày - túi xách, gỗ mỹ nghệ, chế biến hải sản tại phía Nam đã phải dừng hoạt động vì có các ca nhiễm F0 tăng mạnh.
Đó là chưa kể, trước nguy cơ lây nhiễm trong các doanh nghiệp “3 tại chỗ”, một số địa phương như tỉnh Bình Dương đã phải đẩy mạnh kiểm soát công nhân trước khi ngừng việc trở về nơi cư trú. Theo UBND thị xã Tân Uyên, đã có 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký “3 tại chỗ”. Đến cuối tháng 7, vì nhiều ca dương tính Covid-19 được phát hiện trong các doanh nghiệp; bên cạnh đó, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên phụ liệu để sản xuất. Vì vậy đã có một số doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất. Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi đã đề nghị, các doanh nghiệp muốn dừng “3 tại chỗ” cần tổ chức xét nghiệm cho tất cả người lao động ngừng việc trở về nơi cư trú, nhà trọ tại địa phương. Người lao động phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính; đồng thời thông báo tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện phương án “ba tại chỗ” và ngưng hoạt động đến cơ quan chức năng. Chọn giải pháp an toàn, một số doanh nghiệp có đông công nhân đã chủ động ngừng “3 tại chỗ”.
Nhìn lại cách đây hơn một tháng, cũng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bắc Giang và Bắc Ninh triển khai “3 tại chỗ” và đạt được những kết quả rất tích cực. Và mô hình đã được triển khai thành công ở hai tỉnh này, đến nay cơ bản kiểm soát được ca F0 và gần 100% số doanh nghiệp tại hai địa phương này đã hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho rằng, cách thức áp dụng “3 tại chỗ” của mỗi địa phương khác nhau là nguyên nhân quyết định cho hiệu quả mô hình này. Tại Bắc Giang, các doanh nghiệp chỉ được áp dụng “3 tại chỗ” khi tình hình dịch đã kiểm soát được phần nào và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực. Thực tế ngay khi dịch xảy ra, tỉnh này cũng phải chấp nhận cho công nhân nghỉ làm, nhà máy dừng sản xuất để ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là dập dịch, kiểm soát nguồn lây. Khi dịch cơ bản kiểm soát ổn định mới tính đến sản xuất. Mọi bước đi đều làm thận trọng, đáp ứng đủ điều kiện mới cho vận hành.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, quan trọng là phải đánh giá đúng mức độ dịch trong khu công nghiệp, nhà máy, trên cơ sở xét nghiệm toàn bộ công nhân làm việc trong khu công nghiệp để từ đó đưa ra giải pháp. Bài học của Bắc Giang là “chỉ sản xuất khi đảm bảo an toàn”, trên cơ sở xây dựng các bộ tiêu chí về sản xuất, nhà ở cho công nhân phù hợp với địa bàn. Tại các tỉnh phía Nam, cách áp dụng “3 tại chỗ” lại ngược lại. Bởi khi các ca lây nhiễm tăng mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, thì tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng “3 tại chỗ” tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Nỗ lực vượt qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, đại diện các doanh nghiệp đã và đang có những đề xuất, kiến nghị gửi Chính phủ, các đơn vị chức năng mong muốn có thêm giải pháp, sức mạnh để duy trì sản xuất.
Tại văn bản do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch cũng nêu rõ: Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ” là không ít, vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng đã quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Trong bối cảnh đó, chính quyền cấp tỉnh, huyện và ngay cả Ban Quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía Nam đã ban hành các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên. Nhưng, lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan nên doanh nghiệp càng thêm áp lực. Vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao?!
Do đó, cần lường trước rủi ro từ “3 tại chỗ”, bởi việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” chỉ nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. Bên cạnh đó, đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành sản xuất./.