Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần liều thuốc đặc trị để giải phóng dòng tiền “nương náu” trong ngân hàng

Thứ Năm, 26/08/2021 14:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dòng tiền vốn được ví như mạch máu của nền kinh tế, mạch máu mà ngưng trệ, thậm chí tắc nghẽn sẽ tổn hại trực tiếp đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Và đã đến lúc, cần có liều thuốc đặc trị chứng ngưng trệ, tắc nghẽn này trước khi qúa muộn, tránh những hệ lụy cho cả nền kinh tế!

Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) 

Đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Lượng tiền vốn dĩ dùng cho hoạt động sản xuất nay được chuyển vào ngân hàng, tranh thủ kiếm lời và cũng là cách giúp doanh nghiệp tránh rủi ro trong bối cảnh hiện nay.

Trước sự kiến nghị của hàng loạt doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch COVID-19, những ngày qua, các ngân hàng đã liên tục công bố giảm lãi suất để hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch. Mới đây nhất, bốn ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã công bố tiếp tục giảm lãi suất tiền vay từ 0,3 - 1%/năm đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.

Không chỉ riêng các ngân hàng kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng nỗ lực hạ lãi suất cho vay phù hợp điều kiện của mình để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, như: SeABank, MSB, HDBank… Số lượng các tổ chức tín dụng công bố giảm lãi suất sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, giúp các doanh nghiệp duy trì thanh khoản trong giai đoạn khó khăn này, trong khi thanh khoản của hệ thống còn dồi dào…

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp lúc này. Đây là nỗ lực và sự sẻ chia ý nghĩa của các ngân hàng trước khó khăn của người dân và doanh nghiệp

Tuy nhiên, trên thực tế đang có một hiện tượng rất đáng lo ngại cho nền kinh tế. Đó là trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm sâu ở mức thấp kỷ lục nhưng tiền gửi của doanh nghiệp lại tăng cao.

Nguyên nhân được cho là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp không thể mua nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội… Chính vì vậy, tiền bán hàng thu về, tiền vốn phải tạm giữ trong ngân hàng, không thể chuyển thành dòng tiền kinh doanh. 

Thông thường, các năm trước khi tiền gửi của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng thường chỉ tăng mạnh trong một vài tháng cuối năm, đặc biệt là trong tháng 11 và tháng 12. Tuy nhiên, năm nay lượng tiền gửi của các tổ chức, doanh nghiệp tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2021, lượng tiền gửi của tổ chức và doanh nghiệp thêm gần 233.200 tỷ đồng đạt mức tăng trưởng 4,8% cao nhất trong 5 năm gần đây. Riêng trong tháng 6/2021, lượng tiền gửi của doanh nghiệp tăng thêm hơn 74.200 tỷ đồng, cao hơn 25% so tháng liền trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xu hướng này có thể tiếp diễn từ nay đến hết năm 2021 bởi diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất khó lường, do đó doanh nghiệp có xu hướng phòng thủ trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là rủi ro gián đoạn kinh doanh. Xu hướng tăng tiền gửi vào ngân hàng của các doanh nghiệp đã diễn ra trong hơn một năm trở lại đây kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát diện rộng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn do gián đoạn sản xuất, đứt gãy nguồn cung, đầu ra hạn chế nên có xu hướng tích lũy gửi tiền vào ngân hàng để làm bước đệm vừa đề phòng rủi ro trong tương lai, vừa chờ dịch bệnh qua đi để phục hồi.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng từ tháng 4/2021 vừa qua đến nay tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực phía nam, nhiều doanh nghiệp lâm vào trạng thái ngưng trệ, thậm chí đóng băng. Vì thế dòng tiền lẽ ra chảy vào sản xuất, phục hồi kinh doanh lại phải tạm ngưng và chuyển hướng vào ngân hàng để bảo toàn nguồn vốn và sinh lời.

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng vì lo sợ tác động tiêu cực của đại dịch, cũng như không sẵn sàng cho những thay đổi lớn. Nếu có kiếm được rất ít hoặc không kiếm được đồng tiền lãi nào thì vẫn gửi ngân hàng vì muốn bảo lưu cơ hội từ sự an toàn. Trong 6 tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp thu lãi từ vài trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng nhờ các hoạt động tài chính, như tiền gửi ngân hàng, tiền cho vay, lãi chênh lệch tỷ giá...

Cụ thể, trong Báo cáo tài chính quý II/2021 của một doanh nghiệp công bố mới đây, ghi nhận lãi ròng đạt gấp ba lần quý II/2020, ở mức 63 tỷ đồng. Để có được kết quả này, bên cạnh sự tăng trưởng của doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh còn có sự đóng góp đáng kể của doanh thu tài chính. Doanh thu thuần quý II/2021 của doanh nghiệp này đạt 226 tỷ đồng giúp mang về 62 tỷ đồng lãi gộp, tăng 138% so cùng kỳ năm 2020. Doanh thu tài chính tăng là có sự đóng góp đáng kể của hoạt động tài chính khi hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận tới gần 54 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức gần… bốn tỷ đồng.

Việc các doanh nghiệp giữ một số dư nhất định trên tài khoản vãng lai là rất bình thường. Nếu một doanh nghiệp giữ khoản tiền mặt trong chi tiêu thanh toán bằng mức 5% trên tổng tài sản là bình thường. Nhưng nếu găm giữ quá nhiều tiền mặt, trên 20% tổng tài sản thì lại bất thường và cần xem lại vì có thể dòng tiền đang bị tắc.

Bởi lượng tiền mặt doanh nghiệp nắm giữ hoặc gửi ngân hàng cũng mang tính thời điểm. Vào thời điểm thu tiền về, doanh nghiệp sẽ có một khoản tiền gửi ngân hàng lớn. Nếu doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng các dự án thì lượng tiền này sẽ giảm. Việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp, doanh nghiệp sẽ chọn gửi ngân hàng.

Dòng tiền vốn được ví như mạch máu của nền kinh tế, mạch máu mà ngưng trệ, thậm chí tắc nghẽn sẽ tổn hại trực tiếp đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Do đó, tiền gửi trong ngân hàng vẫn có lãi dù ít, bảo đảm sự an toàn và có thể tạo lập cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp sở hữu khoản tiền đó, thì vấn đề này cũng đã và đang trở thành mối lo của cả nền kinh tế. 

Và đã đến lúc, cần có liều thuốc đặc trị chứng ngưng trệ, tắc nghẽn này trước khi qúa muộn, tránh những hệ lụy cho cả nền kinh tế!

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN