Cần khai thác tối ưu kho biển số “đẹp”
(ĐCSVN) - Chắc chắn nhiều người không khỏi giật mình khi theo dõi vụ đấu giá đất ở thành phố Thủ Thiêm vừa qua với kết quả trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng cho hơn 10.000 m2, xác lập cột mốc hơn 2,4 tỷ đồng một m2, gấp 8 lần giá khởi điểm - một kỷ lục Việt Nam.
Và rồi, cũng lại cụm từ “đấu giá” khiến dư luận quan tâm khi Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an vừa tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ban ngành, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo "Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá", để trình Chính phủ và Quốc hội.
Đấu giá là một quá trình mua và bán bằng cách đưa ra món hàng cần đấu giá, ra giá và sau đó bán món hàng cho người ra giá cao nhất. Đấu giá tăng dần được cho là hình thức đấu giá phổ biến nhất được sử dụng hiện nay (đấu giá kiểu Anh). Ở đây, câu hỏi đặt ra là tại sao nhu cầu người dân là có thật, đấu giá rõ ràng tăng tính công khai, minh bạch trong cấp biển số xe nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
5 lần đề xuất trong gần 30 năm!
Câu chuyện đấu giá biển số xe đẹp từng đưa ra từ năm 1993 nhưng tới nay vẫn thực hiện bấm số ngẫu nhiên, trong khi người đam mê luôn tìm cách mua bán lại xe để có được biển số đẹp. Hải Phòng là địa phương đầu tiên tự tổ chức đấu giá biển số xe, tuy nhiên bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”. Hơn 10 năm sau, Bình Thuận và Nghệ An “vượt rào” tổ chức đấu giá biển số xe thu về hàng tỷ đồng hỗ trợ người nghèo. Nhiều biển số có giá trị đến 900 triệu đồng, tuy nhiên sau đó hoạt động này tiếp tục bị “tuýt còi” vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT, nguyên nhân chính khiến đề án được đề xuất nhiều lần (5 lần) nhưng chưa thể thực hiện là do Luật Giao thông đường bộ 2008, hiệu lực từ 01/7/2009, nêu rõ hành vi mua bán biển số bị cấm. Do đó, để thí điểm đấu giá được phải sửa luật, hoặc Quốc hội sẽ quyết định và đưa ra nghị quyết thì mới có thể triển khai. Dự kiến nếu thuận lợi, đề án được Quốc hội chấp thuận và ra nghị quyết thì việc thí điểm đấu giá biển số xe sẽ thực hiện ngay trong năm tới.
Liên quan phương án đấu giá, người trúng đấu giá có quyền mua bán, chuyển nhượng biển số xe hay không, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đề xuất hai phương án: Thứ nhất là sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành - người trúng đấu giá được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Thứ hai, cho phép người dân được mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp biển số và thực hiện bằng cách đưa vào luật các quy định về các quyền cụ thể.
Ảnh minh hoạ: Kim Tiến |
Về lý thuyết, mỗi mặt hàng, nhóm mặt hàng đã qua đấu giá tức là phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đúng luật. Với biển số xe, dù có phương án nào đi chăng nữa thì cũng phải đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công, đảm bảo quản lý nhà nước về trật tự xã hội, tránh đầu cơ biển số, và tất nhiên phải có “sức hút” nhất định với người dân.
Do đó, Cục CSGT đề xuất dù coi biển số là tài sản của người trúng đấu giá nhưng sẽ quy định thời hạn nhất định trước khi gắn vào xe. Trường hợp người dân bán xe nhưng muốn giữ lại biển số thì phải đến cơ quan chức năng để làm thủ tục giữ lại biển số. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày làm thủ tục, biển số trúng đấu giá phải được đăng ký gắn với xe, nếu quá thời hạn sẽ mất quyền đăng ký.
Theo dự thảo, Bộ Công an giao công an tỉnh, thành phố tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký. Công an các địa phương sẽ thuê các công ty đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá theo các hình thức được quy định trong Luật đấu giá tài sản. Các cuộc đấu giá sẽ được thông báo rộng rãi, hình thức có thể thực hiện qua bỏ phiếu trực tiếp, gián tiếp, đấu giá bằng lời nói tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá trực tuyến.
Việc đấu giá sẽ do một công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm. Mức giá khởi điểm cũng được thông báo trước. Hàng tháng các tỉnh, thành có bao nhiêu biển số sẽ được đưa lên trang mạng để công khai và người dân có thể lựa chọn. Khi biển số có nhiều người cùng thích, cùng muốn sở hữu thì sẽ đưa ra đấu giá.
Kho số “đẹp” - tiềm năng lớn
Sau cú nhấp chuột hỏi GOOGLE “biển số xe”, sau 0,48 giây, bạn sẽ chọn gì giữa một biển thông tin có liên quan: Đấu giá biển số xe trực tuyến, Định giá biển số xe online, Dịch biển số xe online, hay Giá biển số xe ô tô đẹp…
Bạn đọc Nguyễn Hoài Trung, 48 tuổi, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nếu có được tặng số đẹp cũng không màng, vì xe có biển số đẹp dễ bị soi, ai cũng để ý, mất tự do... Tuy nhiên, ông chủ của một chuỗi cửa hàng tiện ích này cũng thẳng thắn thừa nhận nhiều bạn bè của mình vẫn đang có tư duy biển số xe hay số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cứ phải “đẹp” thì người sở hữu mới chứng tỏ được bản lĩnh, “sức mạnh”.
Trong khi đó, chị Hoàng Lan Phương, 37 tuổi, sau 2 năm du học ngành Quản trị kinh doanh tại Bỉ về đầu quân cho một công ty phân tích chứng khoán trụ sở tại Hà Nội cho rằng, cũng như rừng và biển là nguồn tài nguyên có hạn, dư địa biển số xe “đẹp” theo quan điểm của nhiều người Việt cũng tương đối chật chội. Mà hễ thứ gì khan hiếm lại có sức hút kỳ lạ với không ít người. Do đó, tốt nhất hãy thiết kế sân chơi đấu giá để ai thực sự muốn sẽ thỏa sức "chinh phục".
“Số đẹp lên sàn, biết đâu, sẽ có biển số xe hay số điện thoại được trả giá tiền tỉ. Tiền đó được dùng vào mục đích gì sẽ do cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp được giao số đẹp quyết định, như trong quá khứ tiền đấu giá số điện thoại đẹp đã được dùng làm từ thiện”, chị Lan Phương bày tỏ quan điểm.
Là một tài sản
Có nhiều ý kiến cho rằng đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô, xe máy đẹp không chỉ xuất phát từ mục đích tăng thu ngân sách mà do nhu cầu muốn sở hữu biển số đẹp của một bộ phận người có tiền, muốn sở hữu những số mình thích. Hơn nữa, đấu giá cũng là cơ sở để tăng tính minh bạch, tránh hiện tượng cò mồi, tiêu cực trong khâu cấp biển số. Cho đến nay, cơ quan chức năng luôn khẳng định hệ thống bốc số ngẫu nhiên là không thể can thiệp. Nhưng đã từng có nhiều chủ xe đắt tiền bấm ngẫu nhiên được biển số đẹp, và sau đó cơ quan chức năng phải giải thích "làm đúng quy trình, không có can thiệp vào hệ thống" để tránh bị suy diễn.
Nêu quan điểm việc đấu giá biển số nên được thực hiện càng sớm càng tốt, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, biển số đẹp có một sức hấp dẫn vô hình rất lớn với nhiều người có điều kiện tài chính.
Một trong các điều kiện tiên quyết để thực hiện đấu giá và làm có hiệu quả thì biển số trúng đấu giá phải được xem là tài sản của chủ phương tiện và được quyền trao đổi, mua bán. Đơn giản là bỏ tiền ra thì phải được quyền sở hữu và định đoạt. “Vòng đời 1 chiếc xe thường 10 - 20 năm, nên nếu biển số được gắn với chiếc xe khác sau khi chuyển nhượng sẽ có giá hơn", ông Quyền nhấn mạnh.
Xét về góc độ pháp lý, theo Luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, việc đấu giá biển số xe là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng có thật của người dân nhưng để thực hiện lại đang vướng các quy định. Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý là tài sản công, nếu mang đấu giá phải thực hiện Luật Đấu giá tài sản, cùng với đó là Luật Giao thông đường bộ. Do đó, Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét nghị quyết thí điểm đấu giá trong một thời gian nhất định, sau đó đánh giá tổng kết, nếu thấy phù hợp thì có thể kiến nghị sửa luật.
Phương án đấu giá nên thực hiện theo hướng coi biển số xe là một tài sản, người trúng đấu giá có quyền mua bán và chuyển nhượng. Phải coi biển số trúng đấu giá là một tài sản, người thắng đấu giá sẽ có quyền sở hữu đi kèm mua bán và chuyển nhượng.
“Nếu được thế thì giá trị biển số sẽ tăng lên và việc đấu giá sẽ hiệu quả hơn. Thậm chí nhìn xa hơn khi biển số được chuyển nhượng thì Nhà nước còn thu được cả thuế", Luật sư Tuấn phân tích.
Việc đấu giá sẽ không bó hẹp ở những biển số “đẹp” bởi xấu hay đẹp chỉ là quan niệm cá nhân, do đó, theo Cục phó Cục CSGT - Đại tá Đỗ Thanh Bình, dự thảo đề án cho phép người dân lựa chọn biển số theo sở thích, nhu cầu. Những biển số không có người lựa chọn đấu giá được quay về kho để người dân bốc ngẫu nhiên như hiện nay.
Ở nước ngoài, việc đấu giá biển số xe đã áp dụng tại Mỹ, Úc, Trung Quốc, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)... và được mệnh danh là "Những tấm sắt đắt nhất thế giới".
Còn ở Việt Nam, việc đấu giá biển số nên được xem xét, cân nhắc. Càng để lâu thì “nguồn tài nguyên” này càng lãng phí và tất nhiên ngân sách càng thất thu. Người dân trông chờ cánh cửa pháp lý mở rộng để hành trình kiến nghị đưa biển số xe đẹp lên sàn chính thức kết thúc.
Rõ ràng, kho số “đẹp” có tiềm năng giá trị rất lớn nhưng định giá bao nhiêu, ai được hưởng, và như nào là hợp lý lại là câu chuyên thú vị, dài hơi bởi "vẻ đẹp không ở đôi má hồng của thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình"./.