Cần gia tăng trích lập dự phòng rủi ro
(ĐCSVN) – Dù việc gia tăng trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Song, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc này là cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro, bất định có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến “sức khỏe” doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Trong chiến lược phát triển mới của ngành ngân hàng, một trong những yếu tố then chốt và quan trọng nhất để các ngân hàng đạt mục tiêu đó là phải có vốn mạnh. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, tăng vốn là điều kiện cần để bảo đảm khả năng cung ứng tín dụng cho thị trường. Đây là trụ cột tăng trưởng cho ngân hàng trong mọi hoạt động. Tiếp đến là chất lượng tài sản tốt, công nghệ kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao... Với tiềm lực mạnh và nguồn vốn chủ sở hữu lớn, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đang có khả năng tăng mạnh vốn điều lệ vượt qua nhóm ngân hàng quốc doanh.
Dự kiến đến cuối năm 2021, hàng loạt ngân hàng sẽ bước vào đợt tăng vốn điều lệ theo kế hoạch được thông qua trước đó. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố ngày chốt quyền trong tháng 10 để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, giúp tăng vốn điều lệ lên mức 15.275 tỷ đồng. Tương tự, việc hoàn thành thương vụ bán vốn công ty tài chính có giá trị lớn nhất ngành ngân hàng, là bước đệm để Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thực hiện kế hoạch tăng vốn đã được thông qua từ phiên họp thường niên đầu năm. Tính đến hết quý III/2021, vốn điều lệ của VPBank gần 25.300 tỷ đồng. Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất việc phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu thưởng để nâng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng. Khi đó, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có quy mô vốn đứng thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau VietinBank.
Thực tế, việc mạnh tay tăng vốn gần đây cũng mở ra cơ hội cho chu kỳ tăng trưởng mới. Nhiều ngân hàng có vốn điều lệ khá cao nhưng vẫn đưa ra tham vọng lọt vào top đầu ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Như trường hợp của VPBank đặt mục tiêu vốn điều lệ tăng lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Nhiều ngân hàng khác cũng bắt đầu đặt mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, với tham vọng chung là mở rộng hoạt động bán lẻ, cải thiện khả năng quản trị ngân hàng và tất cả đều dựa vào sự đổi mới về công nghệ. Để làm được điều đó bắt buộc ngân hàng phải có nền tảng vốn đủ mạnh cùng chất lượng tài sản, quản trị rủi ro tốt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, trong thời điểm này, các ngân hàng trở thành trụ cột trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 của Chính phủ, nên rất dễ bị tổn thương khi khách hàng vay tiền của ngân hàng, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thách thức sẽ còn lớn hơn khi những khoản nợ xấu tiềm tàng vì làn sóng dịch bệnh đang diễn ra, hiện vẫn chưa được thể hiện trên báo cáo tài chính trong chín tháng của năm 2021. Dự báo nợ xấu nội bảng khoảng trên 2% cuối năm 2021 và 2,3-2,5% năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022.
Thực tế, dịch COVID-19 bùng phát đã tác động lên hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế. Không phải là ngoại lệ, ngành ngân hàng cũng gánh chịu những ảnh hương tiêu cực khi biên lãi ròng (NIM) trong quý III/2021 của phần lớn các ngân hàng đều bị suy giảm so quý trước đó.
Theo các chuyên gia kinh tế, có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Thứ nhất, do cầu tín dụng trong quý III/2021 thấp, dẫn đến tình trạng các ngân hàng không thể đẩy mạnh tối đa việc cho vay. Minh chứng là tính đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước tăng 7,42% so cuối năm 2020, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (tăng 5,48%). Tuy nhiên, nếu so tín dụng tại thời điểm cuối quý II/2021 (đạt mức tăng 5,1%), thì rõ ràng trong quý III/2021, tăng trưởng tín dụng đã có sự chững lại. Cụ thể, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh, trong ba quý đầu năm, Vietcombank dẫn đầu về tăng trưởng cho vay khách hàng với mức tăng 11,5% so cuối năm 2020 nhưng tăng trưởng so quí II/2021 chỉ đạt 1,6%. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng ở vị trí thứ hai với mức tăng trưởng 9,4% so cuối năm 2020 và tăng 2,4% so quí II/2021… Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2021 giảm hoặc tăng rất thấp phần lớn đều đến từ việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Thứ hai, các ngân hàng phải chịu áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh. Theo đó, kể từ tháng 7/2021, 16 ngân hàng đã cam kết và thực hiện giảm lãi suất với tổng mức giảm đạt khoảng 12.236 tỷ đồng. Trong đó, nếu ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thon (Agribank) dẫn đầu về tổng giá trị miễn giảm lãi lên tới 4.885 tỷ đồng thì các ngân hàng có vốn nhà nước còn lại như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), BIDV và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đều có mức giảm lãi trong quí III/2021 lần lượt là 1.975 tỷ đồng; 1.901 tỷ đồng và 1.417 tỷ đồng. Như vậy, riêng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh đã chiếm gần hết giá trị miễn, giảm lãi cam kết với tổng giá trị đạt 10.178 tỷ đồng.
Mặt khác, theo số liệu từ báo cáo tài chính quí III/2021 đã được công bố, nợ xấu tuyệt đối tại 27 ngân hàng niêm yết tính đến ngày 30/9/2021 đã tăng lên mức trên 111.000 tỷ đồng, cao hơn 26% so thời điểm đầu năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 ngân hàng mới chỉ ở mức 1,76%, chỉ nhỉnh hơn 0,06 điểm phần trăm so thời điểm cuối năm 2020.
Số liệu thống kê cũng cho thấy 10/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trong chín tháng đầu năm 2021. Diễn biến này là không bất ngờ xét trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. Đáng chú ý nhất là sự gia tăng mạnh của nợ xấu cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh. Cụ thể như tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng gần gấp đôi so cuối năm 2020 lên mức 1,1%. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng 14 lần, nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu. Tương tự, tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng gần gấp đôi so cuối năm 2020 lên mức 1,66%. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần và chiếm 64% tổng nợ xấu… Theo đó, nợ xấu được dự báo sẽ gần như chắc chắn gia tăng cả trong ngắn hạn và trung hạn.
Thống kê tỷ lệ trích lập dự phòng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cho thấy những con số tương đối lớn đã được trích lập. Dẫn đầu về tốc độ gia tăng trích lập dự phòng rủi ro trong chín tháng đầu năm lần lượt là Ngân hàng TMCP Á Chât (ACB) (tăng 93%), Ngân Hàng TMCP Quân đội (MB) (tăng 73%), Vietinbank (tăng 70%), BIDV (tăng 57%), VPBank (tăng 38%), Vietcombank (tăng 37%). Chỉ có ba ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng/2021 là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) (-23%), Ngân hàng TMCP Tien Phong (TPBank) (-16,6%) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) (-3,5%)… Do việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, nhiều ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận quí III/2021 giảm hoặc tăng rất thấp. Trong quý IV/2021, bảng xếp hạng về trích lập dự phòng của các ngân hàng sẽ còn nhiều thay đổi tùy thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của từng ngân hàng cũng như việc áp dụng quy định của cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, sự phân hóa trong kết quả kinh doanh sẽ ngày càng diễn ra đậm nét giữa các ngân hàng trong thời gian tới.
Thực tế, việc gia tăng trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Song, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc này là cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro, bất định có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến “sức khỏe” doanh nghiệp cũng như nền kinh tế./.