Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về giảm nghèo bền vững

Thứ Tư, 28/02/2018 15:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và đã có nhiều chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Đ.H)

Cho đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo đã thu được những kết quả rất tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 ước tính 8%. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong đó có hoạt động tuyên truyền của báo chí đối với công tác giảm nghèo.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác giảm nghèo trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập làm cho kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các địa phương không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Khu vực miền Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 34,52%, tiếp theo là miền núi Đông Bắc (20,74%) và Tây Nguyên (17,14%). Đông Nam bộ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%, tỷ lệ hộ nghèo của Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ 4,76%.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm góp phần làm rõ nguyên nhân những hạn chế, bất cập trong công tác giảm nghèo trong thời gian qua là hết sức cần thiết để việc triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả cao hơn.

Điều quan trọng trong công tác tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo, đó là góp phần hỗ trợ cho độc giả hiểu rõ hơn về cách tiếp cận mới về giảm nghèo - đó là giảm nghèo đa chiều. Khái niệm giảm nghèo đa chiều được Liên hợp quốc đề cập chính thức trong tuyên bố vào tháng 6 năm 2008. Theo đó, nghèo được đo lường không chỉ bằng nhóm tiêu chí thu nhập mà bằng cả nhóm tiêu chí phi thu nhập, bao gồm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin. Cho đến nay, đã có trên 32 nước tiếp cận phương pháp nghèo đa chiều thay cho phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều. Có thể nói, phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều là cuộc đổi thay lớn trong quan điểm về công tác giảm nghèo.

Đối với Việt Nam, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), nhiều văn kiện, nghị quyết, kết luận của Trung ương đã chỉ rõ chủ trương, đường lối về giảm nghèo bền vững theo nhiều chiều cạnh khác nhau, trong đó chú trọng các trụ cột cơ bản như thu nhập và các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin, nhà ở... Khái niệm nghèo đa chiều được đề cập chính thức trong đường lối, chủ trương của Đảng từ năm 2013 tại Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị Tung ương lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết này đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng đến việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc ít người, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và một số dịch vụ xã hội cơ bản như khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, nước sạch, thông tin, truyền thông.

Qua thực tiễn cho thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã chuyển từ một quốc gia có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình nên cách tiếp cận đánh giá nghèo đơn chiều theo thu nhập đã bộc lộ những hạn chế. Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Việt Nam cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau. Để thực hiện cam kết trước cộng đồng quốc tế, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Trong bối cảnh đó, công tác tuyên truyền về giảm nghèo đòi hỏi cần có những đổi mới cả về nội dung và phương thức.

Với cách tiếp cận mới về giảm nghèo, điều quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi nhận thức về giảm nghèo của cán bộ, chính quyền các cấp và người dân. Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam là một phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững và phù hợp với nhận thức chung của thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong giảm nghèo đa chiều bền vững. Vượt qua những thách thức ấy, đòi hỏi phải thay đổi nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp và của chính người dân - đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình và không hề đơn giản đối với các cấp chính quyền và người dân.

Nhìn chung, để góp phần thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững trong thời gian tới, cần có sự đổi mới về công tác tuyên truyền một cách đồng bộ và hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức về mô hình, cơ chế và các chính sách giảm nghèo. Đồng thời, cần tạo sự đồng tâm và đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thành quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 

Từ thực tiễn về cách tiếp cận giảm nghèo mới - giảm nghèo đa chiều, chúng tôi cho rằng, cần có sơ kết, tổng kết chương trình giảm nghèo 3 năm; 5 năm; 10 năm nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được; chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại cần khắc phục trong công tác tuyên truyền. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan báo chí có kết quả tốt trong hoạt động tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo. Cần nhân rộng hơn nữa các mô hình, điển hình tiên tiến trong xóa đói giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặng Hiếu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN