Vĩnh Phúc: tập trung đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch.
(ĐCSVN) – Được biết, trong giai đoạn 2011-2017, tổng vốn ngân sách tỉnh đầu tư cho lĩnh vực du lịch là 2.195 tỷ đồng, trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu du lịch là 67,1 tỷ đồng.
Nguồn vốn hạ tầng du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ do tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch, cải thiện môi trường đầu tư, chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch. Hiện toàn tỉnh có 17 dự án lớn của các nhà đầu tư và một số công trình đầu tư xã hội vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký trên 9.000 tỷ đồng.
Để tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, các dự án tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình: Đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước… Bên cạnh đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh đã chủ động trong công tác lập quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng lợi thế du lịch, dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch để thu hút đầu tư. Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có một số dự án tiêu biểu như: Dự án Flamingo Đại Lải với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.600 tỷ đồng, giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2021; dự án Tam Đảo II của Tập đoàn SunGroup, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.987 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2019; dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng; dự án cáp treo Tây Thiên của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng vốn đầu tư 245 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, chuỗi dự án của công ty Lạc Hồng đầu tư vào Khu du lịch Tam Đảo I dự kiến hoàn thành trước năm 2020.
Từ năm 2011-2017, toàn tỉnh có 36 dự án DDI đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn cam kết trên 20.600 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện 11.336 tỷ đồng, đạt 55%.
Hiện tỉnh đang vận động để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các Khu đô thị kết hợp du lịch, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.