Cần đảm bảo môi trường sống của vọoc chà vá chân nâu
(ĐCSVN) – Những ngày qua, dư luận hết sức bức xúc trước thông tin nhiều diện tích rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) bị chặt phá, gây xâm hại và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của loài vọoc chà vá chân nâu đang sinh sống tại đây.
Trước vấn đề này, chúng tôi đã gặp gỡ những người có trách nhiệm và nghe về những tác hại mà vụ phá rừng Sơn Trà gây ra cho loài vọoc chà vá chân nâu - một loài linh trưởng quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo vệ.
Theo ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) - đơn vị thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, có chức năng nghiên cứu, truyền thông và giáo dục trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các ngành hữu quan của TP. Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn loài vọoc chà vá chân nâu. Vọoc chà vá chân nâu là 1/25 loài linh trưởng của Việt Nam. Loài này chỉ phân bố ngoài tự nhiên trong lãnh thổ 3 nước Đông Dương, trong đó Việt Nam là nơi phân bố quan trọng của loài này.
Tại Việt Nam, vọoc chà vá chân nâu phân bố phân tán trong các khu rừng bị chia cắt từ Nghệ An đến Kon Tum, Gia Lai; trong đó, chỉ có quần thể ở bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) là quần thể được điều tra, nghiên cứu đầy đủ, dễ tiếp cận và quản lý nhất, trong khi các khu rừng khác chưa có đánh giá đầy đủ về kích thước quần thể và môi trường sống của loài.
Theo đó, tại bán đảo Sơn Trà, hiện có khoảng gần 100 ha rừng nguyên sinh, là nơi sinh sống của 7 gia đình vọoc chà vá chân nâu với khoảng 75 cá thể. Trong đó, tại khu vực sinh cảnh rừng thuộc dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa mở rộng, có 4 đàn vọoc chà vá chân nâu với khoảng 50 cá thể. Tại khu vực sinh cảnh rừng thuộc Khu du lịch sinh thái biển bãi Bắc mở rộng có 3 đàn vọoc chà vá chân nâu với khoảng 25 cá thể.
Loài vọoc chà vá chân nâu được ưu tiên bảo vệ, quy định tại Phụ lục I của Nghị định 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013, của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; thuộc nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/3/2006, của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thuộc loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (2015).
Để bảo vệ và bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm vọoc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, thời gian qua, chính quyền và ngành chức năng của TP. Đà Nẵng đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế đầu tư nhiều công sức và tiền của cho mục đích này.
Tuy nhiên, một sự thật đau lòng hiện nay là một số người sau khi nhận giao khoán rừng đã cất lán trại, tiến hành chặt cây, trồng cây, đào đường… tại đây, gây nguy hại và đe dọa đến môi trường sống của vọoc chà vá chân nâu.
Chính việc có mặt của con người đã làm cho vọoc chà vá chân nâu không thể ở được. Đó là chưa thể biết được họ có đặt bẫy bắt, sắn bắn vọoc hay không?
Vào năm 2015, Trung tâm GreenViet đã phát hiện có 3 cá thể vọoc chà vá chân nâu bị bắn chết, gần 2.000 dây bẫy được lực lượng kiểm lâm và Trung tâm tháo gỡ trong diện tích rừng thuộc bán đảo Sơn Trà là những bằng chứng cho thấy sự gia tăng của các hoạt động săn bắn, bẫy bắt động vật rừng, trong đó có vọoc chà vá chân nâu tại đây.
Trước những đe dọa trên, ngoài việc nhân viên của Trung tâm GreenViet chụp hình, lấy thông tin, phản ánh với báo chí, Trung tâm cũng đã chính thức có văn bản chính thức gửi đến UBND quận Sơn Trà và UBND phường Thọ Quang để kiến nghị tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động chặt cây rừng tại bán đảo Sơn Trà thuộc diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND phường Thọ Quang quản lý.
“Tất cả các hoạt động trên của chúng tôi nhằm mục đích là mong muốn được các cấp chính quyền, ngành chức năng và xã hội kịp thời vào cuộc để chặn đứng nguy cơ xâm hại, đe dọa đến môi trường sinh sống của loài vọoc chà vá chân nâu - một trong các loài linh trưởng quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo vệ khẩn cấp” - ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh cho biết.
Cũng liên quan đến những bức xúc của xã hội trước thông tin chặt phá rừng Sơn Trà làm ảnh hưởng và đe dọa môi trường sống của vọoc chà vá chân nâu, ông Nguyễn Văn Lê (57 tuổi) - một người dân sống gần khu vực bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang) bày tỏ: “Không chỉ riêng tôi mà bất cứ người dân Đà Nẵng nào cũng đều tự hào là vùng quê mình đang “sở hữu” một cộng đồng vọoc chà vá chân nâu - loài linh trưởng quý hiếm không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Bản thân tôi cũng nhiều lần dẫn bạn bè ở các nơi khi đến Đà Nẵng lên núi Sơn Trà tham quan, ngắm và xem cả đàn vọoc chà vá chân nâu phơi mình trong nắng, leo trèo tìm thức ăn. Thế nhưng, qua thông tin báo chí nêu, có việc phá rừng, gây nguy cơ đe dọa đến môi trường sinh tồn của loài vọoc này, chúng tôi hết sức bất bình và yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng khẩn trương điều tra, ngăn chặn ngay và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể đã gây ra sai phạm”.
Ngày 25/2/2016, theo chân đoàn cán bộ của quận Sơn Trà, phường Thọ Quang, Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cùng các lực lượng kiểm lâm đến kiểm tra khu vực được báo chí phản ánh có nạn chặt phá cây rừng trên bán đảo Sơn Trà, chúng tôi hỏi một công nhân làm thuê tại đây thì được biết, mấy ngày nay, có lẽ do chặt cây phát ra tiếng động, vọoc không thấy xuất hiện nữa.
Liên quan đến các phản ứng của lãnh đạo TP. Đà Nẵng trước vụ việc phá rừng này, vừa qua, khi trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, TP sẽ xem xét trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng. Việc để xảy ra các vi phạm đáng tiếc này, người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm. TP sẽ nghiêm khắc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm.
Trong khi đó, theo bà Trần Thị Thanh Tâm - Chủ tịch UBND quận Sơn Trà - người đã ký văn bản số 184/UBND-VP, ngày 26/2/2016, của UBND Quận báo cáo gửi đến UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng: Về các thông tin cá nhân trên mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua, thực ra chỉ là “Phát quang cây bụi, dây leo” chứ không phải chặt phá rừng, nhưng sau đó đã khẳng định lại: Đây chỉ mới là báo cáo nhanh bước đầu để lãnh đạo TP nắm diễn biến tình hình. Hiện UBND Quận đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan xác minh, xử lý dứt điểm vụ việc cũng như làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Còn theo Chủ tịch UBND phường Thọ Quang - ông Võ Đình Công, tại khu vực của hai hộ ông Nguyễn Văn Tâm và Phạm Hùng Mạnh được giao khoán đất trồng rừng nhưng vừa để xảy ra vụ việc gây xôn xao dư luận, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn chỉ mới bàn giao trên phương diện tổng thể. Do chưa nhận được bàn giao cụ thể của hai trường hợp này, nên UBND phường Thọ Quang đề nghị Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND phường trong việc quản lý địa bàn, giám sát việc khắc phục của các hộ để thuận lợi cho công tác bàn giao chi tiết sau này.
Cũng theo ông Võ Đình Công, hiện tại, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn mới tiến hành bước 1 bàn giao tổng thể cho phường Thọ Quang 1.072,6ha đất, cùng hơn 200 hồ sơ giao khoán trên phương diện giấy tờ chứ chưa tổ chức bước 2 bàn giao trên thực địa cho chính quyền địa phương để ghi nhận hiện trạng thực tế và xác định ranh giới, diện tích thực tế của từng hộ được giao khoán để bàn giao cho địa phương và cùng ký biên bản xác nhận của 3 bên chứng kiến (UBND phường, Hạt Kiểm lâm và hộ giao khoán).
Tuy nhiên, ông Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cũng đã yêu cầu: Đối với cán bộ là kiểm lâm viên địa bàn thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra địa bàn, không phát hiện sai phạm, cũng như chưa tham mưu cho UBND phường để xử lý trường hợp này, đề nghị Hạt Kiểm lâm liên quân Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết: Sở đặc biệt quan tâm đến vụ việc phá rừng ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ động thực vật rất phong phú ở đây, trong đó đáng chú ý nhất là loài voọc chà vá chân nâu.
Trong khi đó, một đại diện Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay, đơn vị này đã đề nghị cơ quan cấp trên truy trách nhiệm và kiểm điểm một kiểm lâm viên - người phụ trách khu vực này vì đã để cho người dân tự ý phá rừng, mở đường, dựng lán trại trong rừng cả tháng trời mà không hay biết(!?)