Cần có giải pháp căn cơ để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
(ĐCSVN)- Rất cần có chính sách tiền lương, thu nhập đảm bảo cuộc sống và tăng quyền lợi người lao động (NLĐ), là đề xuất của Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng về tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang gia tăng.
Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: Chúng ta cần có chính sách việc làm bền vững là giải pháp căn cơ để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: Trần Oanh |
PV: Thưa ông, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 cả nước đã có hơn 208.000 người rút BHXH một lần; các chuyên gia lao động dự đoán những tháng cuối năm 2022 số người dời khỏi hệ thống BHXH sẽ gia tăng. Ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Lê Đình Quảng: Quy định chế độ BHXH một lần nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận NLĐ khi mất việc làm mà cuộc sống của họ gặp khó khăn. Từ năm 2016, tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần tăng cao và xu hướng ngày càng tăng hơn; cứ 2 người tham gia BHXH thì có 1 người ra khỏi hệ thống bằng việc rút BHXH một lần. Cụ thể, năm 2006 chỉ có 240.191 người hưởng BHXH một lần, chiếm 3,82% số người tham gia BHXH thì năm 2016 là 665.306 người, chiếm 4,7% và năm 2020 là 897.000 người, chiếm 5,5%.
Việc NLĐ nhận BHXH một lần rất thiệt thòi cho họ vì tự tước bỏ các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đặc biệt là rời bỏ những chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Theo quy định, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm của NLĐ bằng 2,64% tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì được thanh toán bằng 2 tháng lương cho 1 năm tham gia BHXH; như vậy, NLĐ bị mất 0,64% tháng lương mỗi năm.
PV: Theo ông, nguyên nhân nào là căn bản nhất khiến NLĐ nhận BHXH một lần?
Ông Lê Đình Quảng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến NLĐ hưởng BHXH một lần nhưng căn bản nhất là hiện nay đời sống của NLĐ hết sức khó khăn. Tổng Liên đoàn khảo sát, điều tra về tiền lương, thu nhập hằng năm của NLĐ cho thấy: Hầu hết NLĐ phải chi tiêu hết sức tằn tiện, thậm chí 56,2% NLĐ phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống và nghỉ làm là hết tiền. Chỉ 17,7% NLĐ có tiền lương, thu nhập đủ lo cuộc sống. Do đời sống khó khăn, không tiền tích lũy nên khi mất việc NLĐ buộc phải nhận BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt; thậm chí, có tình trạng, nhiều NLĐ phải vay tín dụng đen, bán sổ BHXH một lần.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là có điểm rơi do đại dịch Covid-19 khiến nhiều NLĐ mất việc làm. Trong khi đó, chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt nên chưa tạo được niềm tin để thu hút đông đảo NLĐ gắn bó lâu dài với hệ thống. Theo Luật BHXH, NLĐ phải có ít nhất 20 đóng BHXH và đảm bảo tuổi đời theo quy định để được hưởng chế độ hưu trí; trong khi NLĐ không thể chờ đóng đủ từng đó năm vì quá dài. Rồi, có rất nhiều tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH khiến cho niềm tin của NLĐ vào hệ thống này thấp…
PV: Số NLĐ rút BHXH một lần gia tăng, chúng ta cần có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: Để giải quyết căn cơ tình trạng NLĐ rút BHXH một lần cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của NLĐ. Giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, tiền lương phải đảm bảo đời sống NLĐ và gia đình họ, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến chính sách hỗ trợ cho NLĐ nữ. Bởi vì qua khảo sát, lao động nữ nhận BHXH một lần cao hơn lao động nam. Nhiều lao động nữ cho biết lý do rút BHXH một lần vì đời sống gặp rất nhiều khó khăn nhất là chi phí nuôi con nhỏ. Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đã đề xuất bổ sung trợ cấp cho bà mẹ và trẻ em, để giảm áp lực tài chính cho NLĐ, nhất là lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Với chính sách này, chúng ta có thể thực hiện trợ cấp đa tầng, tầng 1 dành cho nhóm lao động chưa đủ khả năng đóng BHXH; tầng 2 áp dụng với nhóm đóng BHXH với mức trợ cấp cao hơn.
Cũng cần sửa giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, sẻ chia và bền vững.
Đối với những NLĐ mất việc thì được tạo điều kiện tiếp cận các gói tín dụng thuận lợi, nhất khi họ gặp khó khăn để không phải rút BHXH một lần. Tiếp nữa là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Và, một giải pháp rất quạn trọng là thực hiện chính sách tạo việc làm bền vững cho NLĐ.
PV: Nhưng thưa ông, thực tế nhiều năm nay có tình trạng không ít DN bằng mọi cách thải loại NLĐ sau độ tuổi 35?
Ông Lê Đình Quảng: Nhiều DN đang thực hiện thang bảng lương theo yếu tố thâm niên, NLĐ làm việc càng nhiều năm thì tiền lương càng cao. Việc nhiều DN thải loại NLĐ trên 35 tuổi, nhất là lao động nữ, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ việc.
Chúng ta cần có chính sách việc làm bền vững (thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, công việc ổn định) là giải pháp căn cơ để giải quyết việc này. Về phía DN phải thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, không đưa ra chiêu trò để thải loại NLĐ. Cũng cần tăng cường tuyên truyền việc thực thi pháp luật lao động để giảm thiểu được tình trạng DN thải loại NLĐ sau tuổi 35; cũng như giúp cho NLĐ hiểu được những rủi ro lâu dài khi nhận BHXH một lần, để tiếp tục ở lại hệ thống BHXH.
PV: Xin cảm ơn ông!