Cần chủ động hơn trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam
(ĐCSVN) - Trước xu hướng chủ đạo của bất động sản toàn cầu chú trọng yếu tố xanh, bền vững, thị trường Việt Nam cần chủ động hơn trong phát triển công trình xanh để giữ sức hút và đạt mục tiêu trong cuộc đua giảm phát thải toàn cầu.
Các công trình xanh tại Việt Nam đã xuất hiện đầu tiên vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, toàn quốc chỉ có khoảng 233 công trình được nhận chứng chỉ xanh cho đến nay. Đây là con số khiêm tốn so với số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua.
Công trình xanh ở Việt Nam chưa xứng với tiềm năng
Tòa nhà xanh Liên hợp quốc tại Việt Nam (Ảnh: UNDP) |
Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), nhiều quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các quốc gia tại châu Âu và Bắc Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc đua giảm phát thải với khoảng 38% các thành phố cam kết. Trong đó chỉ 18% các thành phố tại Mỹ Latin, 17% tại Sub-Saharan châu Phi, 14% tại châu Á – Thái Bình Dương và 4% các thành phố tại Trung Đông và Bắc Phi có cam kết cho mục tiêu này.
Để có thể đạt được cam kết này, bất động sản đóng vai trò quan trọng, khi nghiên cứu từ Savills Impacts năm 2022 cho thấy bất động sản chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải carbon toàn cầu. Việc giảm lượng khí thải carbon liên quan đến ngành này là rất cần thiết để đạt mục tiêu phát thải ròng đã đưa ra.
Tại các thị trường bất động sản đang phát triển như Trung Đông, châu Phi và Ấn Độ, việc giảm thiểu phát thải được ưu tiên trong phát triển dự án mới, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường nhằm giảm lượng carbon. Trong khi đó tại các thị trường phát triển ở châu Âu, nơi nguồn cung dự án mới chỉ khoảng 1-2%, chính sách giảm phát thải tập trung chủ yếu vào nâng cấp những toà nhà cũ, bổ sung thêm các thiết bị thông minh nhằm tối ưu việc sử dụng năng lượng trong quản lý vận hành.
Tòa nhà xanh Tập đoàn Viettel tại Hà Nội (Ảnh: PV) |
Thống kê của Savills Impacts công bố năm 2022 cũng cho thấy, chỉ khoảng 22% các toà nhà văn phòng trên thế giới đạt chứng chỉ Xanh quốc tế như LEED, BREEAM hay WELL, con số này tại Los Angeles là 15%. Một số thành phố đạt trên 40% các công trình văn phòng đạt chứng nhận xanh có thể kể đến Warsaw, San Francisco và New York.
Đánh giá về nhu cầu đối với công trình xanh, các chuyên gia bất động sản cho rằng, đối với thị trường văn phòng, khách thuê doanh nghiệp hiện ưu tiên lựa chọn những tòa nhà có xếp hạng bền vững cao với mong muốn đạt được mục tiêu phát thải bằng “0”. Không chỉ là vấn đề chính sách của công ty, doanh nghiệp ngày nay phải có những hành động để thực sự cho nhân viên thấy rằng công ty nỗ lực với những cam kết bền vững của mình. Tiêu chuẩn xanh, do đó, càng trở thành một yêu cầu cần thiết, đặc biệt đối với các dự án bất động sản.
Hiện thực hoá phát triển công trình xanh tại Việt Nam
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu.
Tuy nhiên, riêng đối với bất động sản, số lượng những công trình xanh hiện nay được đánh giá là chưa tương xứng với những tiềm năng và yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2022, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, kéo theo áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong xây dựng. Về phát triển công trình xanh, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 233 công trình với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng - con số còn rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là hiện nay các chủ đầu tư đã bắt đầu có những động thái chủ động hơn trong việc phát triển các dự án xanh. Cũng theo các chuyên gia, riêng tại thị trường Hà Nội, từ nay đến 2024 sẽ có thêm khoảng 6 dự án văn phòng được nhận chứng chỉ xanh. Việc sử dụng vật liệu cải tiến, thân thiện với môi trường, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng được đánh giá là phù hợp với xu thế của thế giới.
Về mức độ chào đón của thị trường Việt Nam đối với dự án xanh, các chuyên gia cho rằng, hiện nay một số tòa nhà văn phòng tốt nhất tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng các tiêu chí Xanh đều được đánh giá ở thứ hạng cao hơn các tòa nhà cũ. Hơn nữa, khách thuê là các doanh nghiệp quốc tế tới hoạt động tại Việt Nam, thậm chí là các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết đều cần tuân thủ một số quy định về đáp ứng các mục tiêu về ESG và phát thải ròng, đơn cử như việc phải có báo cáo ESG thường niên. Do vậy, nhu cầu đối với các bất động sản văn phòng sẽ hướng đến các tòa nhà có thể hỗ trợ họ đạt được những yêu cầu về môi trường. Việc lựa chọn tòa nhà không có các tính năng tối ưu năng lượng và giảm khí thải carbon thậm chí sẽ trở nên tốn kém hơn vì phụ phí phát thải CO2 của doanh nghiệp sẽ cao hơn.
Ngoài ra, việc áp dụng proptech, các hệ thống quản lý toà nhà thông minh hay các thiết bị năng lượng tái tạo tại các toà nhà mới xây và toà nhà đã đi vào hoạt động đồng thời nâng cao tiêu chí xanh, tối ưu chi phí vận hành hàng tháng, từ đó tiết kiệm hơn cho chủ đầu tư và người sử dụng.
Có thể thấy, thị trường Việt Nam có rất nhiều toà nhà văn phòng được phát triển và đi vào hoạt động từ 20 năm trước. Do đó, hệ thống quản lý và cách thức vận hành không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh mà khách thuê tìm kiếm. Đặc biệt, khi nhu cầu về sử dụng năng lượng hiệu quả trở nên ngày một cấp bách thì càng cần chủ đầu tư cần áp dụng công nghệ trong hệ thống quản lý tòa nhà.
Thiết nghĩ, các tòa nhà được quản lý bởi công nghệ quản lý thông minh hiện nay có khả năng thu thập và nghiên cứu các dữ liệu vận hành bao gồm hiệu suất các thiết bị điều hòa không khí, mức tiêu thụ điện năng, hay mật độ khách thuê, để cải thiện công tác vận hành, hỗ trợ kiểm soát và tối ưu phát thải carbon ra môi trường. Những tòa nhà không có hệ thống quản lý tối tân sẽ không cải thiện được vấn đề này.
Để hướng tới mục tiêu hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26 và tiếp tục giữ sức hút phát triển, cũng như góp phần hiện thực hoá Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xanh hoá các công trình xây dựng và công tác vận hành là yêu cầu cấp bách. Trong đó, động lực không chỉ đến từ việc pháp lý hoá các tiêu chuẩn công trình xanh, mà còn phải từ nhận thức của các chủ đầu tư và khách hàng đối với việc sử dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hiệu quả năng lượng trong suốt vòng đời của dự án. Trên góc độ thu hút đầu tư bền vững, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là yêu cầu cấp thiết bởi cơ sở hạ tầng và truyền tải năng lượng tái tạo đến nơi cần thiết như đô thị hay các khu công nghiệp vẫn là những vấn đề tồn đọng. Việc giải quyết được hai vấn đề này sẽ hỗ trợ công tác đầu tư nhiều hơn nữa vào các hoạt động phát triển bền vững, góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII vào cuộc sống./.