Cái giá của quảng cáo sai sự thật
(ĐCSVN) - Gần đây, khi mạng xã hội phát triển rầm rộ, xuất hiện thực trạng một số nghệ sĩ, diễn viên... tham gia tuyên truyền, quảng cáo cho các sản phẩm, văn hóa phẩm kém chất lượng, trái với thực tế để trục lợi, gây nhiều bức xúc trong dư luận và đông đảo người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu, được biết, khi được mời tham gia tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm, trong đó có nhiều loại sản phẩm kém chất lượng, trái với thực tế, các nghệ sỹ sẽ nhận được những khoản thù lao không hề nhỏ, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí còn cao hơn rất nhiều...
Bởi mức thù lao lớn như vậy, nên nhiều diễn viên, nghệ sỹ, người mẫu trong đó có nhiều người rất nổi tiếng, dù biết rằng mình tham gia quảng cáo, tuyên truyền vô tình hoặc cố tình “nhắm mắt làm ngơ” để trục lợi. Nhiều người thay vì chú trọng say sưa hoạt động chuyên môn, đầu tư sáng tạo để có được nhiều sản phẩm nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, thì chỉ mải mê chạy theo các hợp đồng quảng cáo.
Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc. Ảnh: vietnamnet.vn |
Đáng báo động hơn, tại các fanpege chính thức, Facebook chính chủ của một số nghệ sĩ nổi tiếng còn đăng bài về tiền ảo với mục đích quảng cáo, lôi kéo, kêu gọi các fan cùng đầu tư, rủ nhau làm giàu. Nhiều đồng coin “rác” cũng được những người nổi tiếng khéo léo cài cắm quảng bá, gây hiểu nhầm cho người xem khiến họ khó phân biệt nếu không có hiểu biết, kiến thức về những đồng tiền này. Điều này một lần nữa cảnh báo về trách nhiệm của giới nghệ sĩ, người của công chúng trên mạng xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo.
Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới chưa chấp nhận “tiền ảo” là tiền tệ hợp pháp. Việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật nước ta cấm các tổ chức tín dụng sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc làm phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc tiếp tay cho một đồng tiền chưa được công nhận là vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng trên, rất nhiều khán giả, người xem truyền hình gần đây đã gửi ý kiến đến các cơ quan thông tin, báo chí, phản ánh những ý kiến bức xúc, không đồng tình, thậm chí phản đối gay gắt trước những hình thức quảng cáo của giới văn nghệ sỹ...
Ngày 20/5, Ban Tuyên giáo thành ủy TP.HCM cũng đã có công văn gửi các cơ quan chức năng nêu rõ thời gian qua, một số nghệ sĩ TP.HCM có tham gia giới thiệu, quảng cáo về hiệu quả sử dụng một số thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo… không đúng với quy định pháp luật; Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra, chấn chỉnh, vận động hội viên không tham gia quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...
Trao đổi về vấn đề trên, TS Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội nêu quan điểm: Hình thức tiếp thị thông qua những "người của công chúng" lâu nay đã và đang là cách làm của nhiều nhãn hàng muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, bởi các trang mạng xã hội như facebook, tiktok...của nghệ sĩ và giới showbiz Việt thường có một lượng lớn người hâm mộ thường xuyên theo dõi thông tin về họ. Việc sử dụng nghệ sĩ và những người hoạt động trong giới showbiz để quảng bá, gây dựng lòng tin cho sản phẩm từ sự ảnh hưởng, lan tỏa của những đối tượng này tới công chúng sẽ không có gì đáng bàn, nếu những sản phẩm này đã được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, cấp chứng nhận lưu hành trên thị trường hoặc bảo đảm quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật và lừa dối người tiêu dùng thì đó lại là việc làm sai trái, vi phạm pháp luật bởi nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe, tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế cho những người đã tin tưởng vào họ. Điều này còn gây ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của cá nhân họ mà cả uy tín của các nghệ sĩ khác cũng như những người hoạt động cùng lĩnh vực nói chung.Việc quảng bá cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc còn cho thấy sự xuống cấp trong đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng và tính trục lợi, vì tiền của một bộ phận giới nghệ sĩ và showbiz. Đã đến lúc trách nhiệm của nghệ sĩ phải được xem xét lại. Và các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật cũng phải “mạnh tay” với một số nghệ sĩ đang “làm tiền” bất chấp này.
Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng: Tuy việc đánh giá sản phẩm khi quảng bá trên các trang mạng xã hội là mang tính cá nhân, nhưng do bản chất nghề nghiệp, tầm ảnh hưởng của mình có thể tác động đến nhiều người, các nghệ sĩ cũng cần có trách nhiệm thẩm định, tìm hiểu rõ về xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, cấp phép của các cơ quan chức năng để tránh những hệ lụy đối với người tiêu dùng cũng như tránh bị lợi dụng và vi phạm pháp luật.
Trường hợp nghệ sĩ quay clip quảng cáo thực phẩm chức năng lừa dối công chúng thì có thể chịu mức xử phạt từ 100 - 140 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật (điểm a khoản 5 điều 51 và khoản 2 điều 3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Thậm chí, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “quảng cáo gian dối” được quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, có thể bị phạt cao nhất đến 5 năm tù giam...
Như chúng ta đều biết, đối với người nghệ sĩ chân chính, qua quá trình cống hiến và lao động nghệ thuật, bằng tài năng họ đã làm lên tên tuổi của mình, được công chúng mến mộ, họ nên hiểu rằng chỉ có tài năng, phẩm giá mới làm nên tên tuổi của họ, làm cho họ trở thành "người của công chúng” và được công chúng yêu mến. Đó chính là thứ tài sản vô giá, quý báu nhất trong cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họ. Do đó nếu tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, không đúng thực tế, người nghệ sỹ đã tự đánh mất mình, bán rẻ danh tiếng, mất chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật và trong lòng người hâm mộ, những người đã góp phần tạo dựng tên tuổi, hình ảnh họ trong đời sống xã hội.../.