Các nước vùng Amazon tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) - Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng và kéo nhiều thách thức. Thực tế đó đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước vùng Amazon.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (trái) với Bộ trưởng Bộ Người bản địa Sonia Guajajara tại Hội nghị thượng đỉnh Amazon, ngày 8/8/2023. (Ảnh: AFPPIX) |
Đây là thông điệp được Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Amazon, còn được biết đến với tên gọi chính thức là Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon (ACTO) lần thứ 4 diễn ra ở thành phố Belem, miền Bắc Brazil, ngày 8/8.
Ông Lula da Silva nhấn mạnh: "Chưa bao giờ việc nối lại và mở rộng quan hệ hợp tác này lại khẩn cấp đến thế. Những thách thức trong thời đại của chúng ta và những cơ hội nảy sinh đòi hỏi phải có hành động chung”.
Tổng thống Brazil cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Amazon cần tập trung vào 3 đề xuất chính: thúc đẩy một tầm nhìn mới về phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực, kết hợp bảo vệ môi trường với tạo việc làm bền vững, và bảo vệ quyền của các nhóm bản địa Amazon.
"Chúng ta cần dung hòa giữa bảo vệ môi trường với hòa nhập xã hội, thúc đẩy khoa học và công nghệ, đổi mới, kích thích nền kinh tế địa phương, đấu tranh chống tội phạm quốc tế, tôn trọng quyền của người dân bản địa và cộng đồng truyền thống, cũng như tri thức tổ tiên của họ" – Tổng thống Brazil nói.
Ngày 8/8, Hội nghị thượng đỉnh 8 quốc gia có rừng nhiệt đới Amazon đã diễn ra tại thành phố Belem, phía Bắc Brazil, nhằm tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức cấp bách đối với hệ sinh thái. Đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon được tổ chức kể từ năm 2009, dự kiến kéo dài trong 2 ngày (8 - 9/8), với sự tham dự của 8 quốc gia thành viên là Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela cùng một số nước khách mời. Các thành viên của ACTO đang hy vọng việc thành lập nên một mặt trận thống nhất sẽ giúp họ có tiếng nói chính trong các cuộc đàm phán toàn cầu về vấn đề này.
Rừng rậm nhiệt đới Amazon được ví như lá phổi xanh của trái đất. (Ảnh: Getty) |
Tất cả các quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh Amazon đã phê chuẩn Hiệp định khí hậu Paris, yêu cầu các bên ký kết đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Hội nghị thượng đỉnh Amazon lần này được coi là một nỗ lực củng cố chiến lược của ông Lula da Silva nhằm thúc đẩy mối quan tâm trong khu vực, mà xa hơn là ở phạm vi toàn cầu đối với việc bảo tồn khu rừng Amazon vốn được ví như lá phổi xanh của trái đất.
Trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Amazon, các nhà lãnh đạo Brazil đã liên tiếp hối thúc các nước khu vực và quốc tế chung tay bảo vệ rừng Amazon vì đây là thách thức mà môt mình nước này không thể giải quyết nổi./.