Các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp đóng góp tích cực vào thúc đẩy bình đẳng giới
(ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với nhiều chủ đề khác nhau đã khẳng định sự năng động, đổi mới không ngừng của tổ chức Hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới.
Sáng 14/10 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, trong số 33 dự án khởi nghiệp tiêu biểu nhất vào chung kết toàn quốc cuộc thi có 07 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số. |
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 là cuộc thi lần thứ 5 được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Lễ trao giải thưởng chung kết toàn quốc cuộc thi vinh danh 33 dự án khởi nghiệp tiêu biểu nhất gồm 1 giải đặc biệt, 3 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 19 giải khuyến khích được trao với tổng trị giá giải thưởng trên 2,3 tỷ đồng. Trong đó, có 13 dự án của các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ, 14 dự án của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 06 dự án của hộ kinh doanh cá nhân; 02 dự án của phụ nữ khuyết tật và 07 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương 33 dự án tham gia vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 và các tác giả dự án được giải; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào phong trào khởi nghiệp, mục tiêu bình đẳng giới quốc gia và sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới. |
Thủ tướng nhấn mạnh, các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với nhiều chủ đề khác nhau đã khẳng định sự năng động, đổi mới không ngừng của tổ chức Hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là diễn đàn lớn, sâu rộng, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam trong hành trình khởi nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia các mô hình kinh tế đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể... để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Những đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp không chỉ góp phần to lớn trong phát triển kinh tế đất nước mà còn có những tác động tích cực vào giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chủ đề cuộc thi năm 2023 là “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”; không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp, mà còn bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ làm gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, giảm thiểu tác động môi trường, mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước những ý tưởng táo bạo, đổi mới của các đề án khởi nghiệp của phụ nữ, đặc biệt là sự tâm huyết, trăn trở của các chị đối với việc khôi phục các nghề truyền thống đang có khả năng mai một; phát huy tài nguyên du lịch của quê hương; sử dụng tất cả những gì thiên nhiên ban tặng từ luỹ tre làng, hạt gạo quê hương, cây thảo mộc… để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thẩm thấu trong từng sản phẩm nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng đặc biệt trân trọng nỗ lực vượt bậc của những phụ nữ vùng miền núi, dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, những phụ nữ xuất phát từ hoàn cảnh rất khó khăn… nhưng với ý chí, nghị lực phi thường đã vươn lên, chứng minh một tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt.
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và đại diện 33 dự án khởi nghiệp tiêu biểu nhất. |
Để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ khởi nghiệp, nhất là cơ chế hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực toàn diện cho phụ nữ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho phụ nữ khởi nghiệp...
Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó lưu ý hệ sinh thái riêng cho phụ nữ khởi nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế nhằm hỗ trợ các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của phụ nữ.
Mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng thụ hưởng của các quỹ đầu tư khởi nghiệp các cấp để ngày càng có nhiều phụ nữ được tiếp cận với các quỹ, bảo đảm nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, hợp tác quốc tế cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ thông qua các diễn đàn, hội chợ, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư; hỗ trợ kết nối cung-cầu, quảng bá, giới thiệu, sử dụng sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới 5 nội dung quan trọng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ. Đó là: Gắn phong trào khởi nghiệp với đổi mới sáng tạo để tạo giá trị, sản phẩm mới, động lực mới cho cộng đồng và xã hội; gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; gắn với quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương; khởi nghiệp phải được hỗ trợ bởi doanh nghiệp và ngân hàng về thị trường và vốn; được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, khuyến khích, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa các hoạt động hiệu quả, thiết thực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; chú trọng tổ chức các phong trào, diễn đàn, hoạt động biểu dương, tôn vinh nhằm khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các tầng lớp phụ nữ. Bên cạnh tích cực vận động sự tham gia hưởng ứng, hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp và các thành phần trong xã hội đối với phong trào khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ cả nước, Hội cần chủ động và tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nói riêng và hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ nói chung./.