Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cà phê hữu cơ Hướng Hóa - hướng đi giúp cho phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều có cuộc sống mới tốt đẹp hơn

Thứ Hai, 11/11/2024 17:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp sản xuất chế biến cà phê, chị Nông Thị Hanh tự tin Dự án Phát triển giá trị cà phê hữu cơ Hướng Hóa là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, giúp cho phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Nói đến Hướng Hoá chắc nhiều người chỉ nghe thôi chứ chưa từng đặt chân. Đây là huyện miền núi, vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Trị, có vùng núi cao nằm bên dãy Trường Sơn, giáp với biên giới Việt - Lào. Hướng Hoá là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều và người Kinh lên vùng kinh tế mới. Dù còn nhiều khó khăn nhưng nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đỏ bazan màu mỡ cộng thêm khí hậu thích hợp cho cây cà phê. Tận dụng lợi thế này, hơn 4.000ha diện tích trồng cà phê Arabica đã được bà con triển khai mang theo hy vọng là cây "xóa nghèo", giúp phát triển kinh tế địa phương, chị Nông Thị Hanh giới thiệu. 

Chị Nông Thị Hanh (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về sản phẩm cà phê Ta Lư 

Nhận thấy công sức bỏ ra chăm sóc đến thời điểm thu hoạch giá cà phê hạt tươi không cao, thực tế này lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, chị Nông Thị Hanh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, trang bị máy móc, đồng thời, bắt tay liên kết với 40 hộ dân trên địa bàn để cùng chia sẻ kỹ thuật trồng cà phê, tìm đầu ra cho sản phẩm. 

"Ta Lư là nhạc cụ phổ biến của cộng đồng dân tộc Vân Kiều tại Quảng Bình, Quảng Trị nên tôi quyết định chọn làm thương hiệu cho sản phẩm mà mình tâm huyết với mong muốn sản phẩm sẽ mang một nét riêng có, đặc trưng của Hướng Hóa, đã dùng là nhớ. Dù hướng đi này gặp không ít vất vả và mất thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được", người phụ nữ có 15 năm trực tiếp sản xuất chế biến cà phê chia sẻ. 

Và để người tiêu dùng nhớ tới sản phẩm, cà phê Ta Lư trong thời gian chăm sóc được bà con ủ bằng phân hữu cơ, thu hoạch theo hướng nông sản sạch tức là không lẫn rác và các hạt xanh, hạt hỏng. Tỷ lệ quả chín trên 95% và tạp chất dưới 5%. Sản phẩm được áp dụng bộ nguyên tắc sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, đảm bảo khâu bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm, nói không với phụ gia hay hương liệu. Cà phê nguyên liệu tươi được đưa vào nhà máy chế biến, loại vỏ lấy nhân. Sau khi được xử lý rang xay theo quy trình chế biến với thời gian và nhiệt độ thích hợp, các thành phần dinh dưỡng không bị bay hơi và giữ nguyên vẹn hương vị của từng hạt cà phê. Qua pha chế, cà phê có mùi hương rất dễ chịu kết hợp với vị chua nhẹ làm cho cà phê đậm đà nguyên chất hơn!

Cà phê Ta Lư được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chứng nhận OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao năm 2022 và hiện đã có mặt ở nhiều nơi trên toàn quốc. Còn các hộ dân Hướng Hóa, nhất là những người phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều thì yên tâm gắn bó với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Ta Lư Khe Sanh bởi giá thu mua cao hơn và ổn định hơn so với thị trường nên đời sống cũng được cải thiện đáng kể, chị em tự tin khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội.

Chị Nông Thị Hanh (ngoài cùng bên phải) nhận giải Nhì chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 

Tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 (cuộc thi được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm cụ thể hóa Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 (Đề án 939) cho đến năm nay là năm thứ 6) cùng 39 dự án đến từ các địa phương khác trên toàn quốc, Dự án Phát triển giá trị cà phê hữu cơ Hướng Hóa của chị Nông Thị Hanh đã thuyết phục được Ban giám khảo, xuất sắc giành giải Nhì chung cuộc./.

Trung Tín

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN