Cá ngừ “mắc kẹt” vì quy định về kiểm dịch động vật
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đang gặp khó khăn trong hoạt động chế biến và kinh doanh.
Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Nguyên nhân là các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo Thông tư số 36/2018/TT- BNNPTNT (Thông tư 36 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2019 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản).
Các lô hàng xuất khẩu đi châu Âu cũng chưa ra khỏi cảng vì nhiều cảng trên cả nước dừng hoàn toàn việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản từ khai thác (S/C). Lý do là các cảng này không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I và II (theo Điều 78, Luật Thủy sản 2017) nên không đủ điều kiện để được chỉ định là cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT (Thông tư 21) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chứng nhận nguồn gốc thủy sản.
Thêm vào đó, Thông tư 36 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2016/TT- BNNPT (Thông tư 26) quy định về dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản và Thông tư 21 về chứng nhận nguồn gốc thủy sản được ban hành chậm, nhưng có hiệu lực nhanh đã làm cho doanh nghiệp và các cảng trở nên lúng túng trong việc thực hiện đúng quy định về kiểm dịch động vật và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cá ngừ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, từ khi Thông tư 36 và Thông tư 21 có hiệu lực, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đều trở tay không kịp vì hầu hết các lô hàng nguyên liệu này đã được ký hợp đồng trước đó 3 tháng. Các doanh nghiệp này cũng ký kết hợp đồng giao hàng quý I/2019 với thị trường châu Âu vào quý IV/2018. Nhiều hợp đồng xuất khẩu đi châu Âu và các hợp đồng với ngư dân, đại lý cung ứng nguyên liệu đều bị ách tắc, nguy cơ bị đối tác hủy hợp đồng và xử phạt rất cao. Điều này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả ngư dân và doanh nghiệp. Bất cập này cũng gây ra nhiều tổn thất cả về kinh tế lẫn uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.
Ngoài ra, đa số các cảng trung chuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ (Đài Loan (Trung Quốc), Samoa thuộc Mỹ, Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Trung Quốc, UAE, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Uruguay, Nhật Bản v.v...) đều từ chối cấp "Giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc" (tên tàu, số đăng ký, quốc gia treo cờ của tàu đánh bắt và tàu vận chuyển, tên loại sản phẩm thủy sản, số lượng, thời gian bốc dỡ, địa điểm bốc dỡ, điều kiện lưu giữ sản phẩm, sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ) cho các lô hàng cá ngừ được trung chuyển. Chỉ có Thái Lan và Philippines cấp giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc cho các lô hàng này, nhưng thực hiện theo mẫu và ngôn ngữ của 2 quốc gia này không phù hợp với điểm G, Khoản 2, Điều 1 của Thông tư 36.
Để giải quyết tình trạng ách tắc nguyên liệu qua các cảng trung chuyển từ nước ngoài, giải quyết cấp giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác cho các lô hàng thành phẩm, vào ngày 1/3/2019, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi Công văn số 22/2019/CV-VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ra văn bản ban hành “Danh sách các cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác”.
VASEP đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm đăng tải danh sách này lên trang thông tin điện tử của Tổng cục như quy định tại Điều 6 Thông tư 21 để làm căn cứ chính thống trong triển khai các hoạt động xác nhận, chứng nhận thủy sản tại các địa phương. Trong trường hợp chưa có danh sách cảng cá được chỉ định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn các cảng cá tiếp tục triển khai các hoạt động xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác như trước ngày 1/1/2019 để giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, khai thông sự đình trệ trong sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Sau gần 1 tuần Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam gửi công văn khẩn thiết đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay vẫn chưa có động thái giải quyết, nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu vẫn mắc kẹt tại cảng, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay./.