Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cà Mau: Diện mạo đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 21/11/2019 09:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Về vùng nông thôn Đất mũi Cà Mau hôm nay, đã không còn cảnh cách chợ ngăn sông, đường đi sình bùn, lầy lội mà thay vào đó là những con đường bê tông rộng thênh thang, trải dài thẳng lối, nối liền các vùng quê, đời sống người dân cũng nhộn nhịp, rộn ràng.

  Người dân xã Khánh Tiến (huyện U Minh – Cà Mau) giờ đây có thu nhập ổn định từ nghề làm cá sặt rằn khô (cá bổi).

Người dân đồng thuận nông thôn mới

Đã gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng là ngần ấy năm Cà Mau bứt phá vươn lên, từng ngày thay đổi, khoác lên mình một diện mạo mới. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông  Lê Văn Sử cho biết: Cà Mau đặc thù là vùng sông nước, đi lại khó khăn nên xuất phát điểm rất thấp; thu nhập người dân khi đó không cao, hạ tầng nông thôn tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo với gần 14%. Gần 10 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của toàn Đảng, toàn dân đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

“Qua 10 năm xây dựng NTM (giai đoạn 2010 – 2019), Cà Mau với tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 5.923 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách các cấp hơn 3.000 tỷ đồng (chiếm 51,5%); vốn người dân đóng góp gần 1.700 tỷ (chiếm 28,5%); có 30/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 36,6%), Cà Mau đang phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM’ – ông Sử nói.

Là vùng căn cứ cách mạng, chịu nhiều tổn thương do chiến tranh để lại, nhưng hiện tại, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình – Cà Mau) đã đạt được 15/19 tiêu chí NTM. Có được kết quả trên, cũng như nhiều xã khác của huyện Thới Bình, ngay từ khi “bắt tay” vào xây dựng NTM, Ðảng bộ và chính quyền xã Hồ Thị Kỷ xác định chủ thể của NTM là nhân dân, thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”. Các nguồn lực đầu tư đã được minh bạch, công khai, người dân được tham gia góp ý kiến vào quy hoạch, kể cả trực tiếp giám sát các dự án đầu tư cơ bản. Cách làm minh bạch ấy đã tạo lòng tin vững chắc để nhân dân góp sức, góp của cùng chính quyền xây dựng NTM.

Ông Quách Duy Út người dân tộc Khmer ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ phấn khởi nói: “Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, từ khi có chủ trương làm NTM, bản thân tôi cũng như bà con rất đồng tình hưởng ứng, gần đây thì thấy xóm làng đổi mới ở nhiều lĩnh vực, chúng tôi phấn khởi lắm”. Để hưởng ứng phong trào này, ông Út đầu tư hàng trăm triệu đồng làm hàng rào bê tông kiên cố; cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, nuôi cá và thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, từ khi tuyến lộ 2,5m đưa vào sử dụng trên tuyến ấp Đường Đào, đã tạo nên sự thay đổi lớn diện mạo, đời sống người dân nơi đây.

Diện mạo nông thôn Cà Mau nhiều thay đổi

Mười năm qua, với sự đầu tư quyết liệt, hệ thống giao thông nông thôn đã không ngừng phát triển, đồng bộ từ tỉnh đến trung tâm các huyện, xã trên địa bàn. Đến nay, Cà Mau đã đầu tư xây dựng mới gần 3.800 km (gồm hơn 2.800 km đường trục ấp, liên ấp; khoảng 1.000 km đường xóm, nhánh) và đầu tư xây dựng gần 2.300 cầu giao thông nông thôn. Nhờ đó, đến nay đã có 81/82 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã và 35 xã đạt tiêu chí Giao thông, tăng 40,2% so với năm 2010. Diện nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện nay 100% số xã đều được phủ lưới điện quốc gia, hộ sử dụng lưới điện chiếm 99,16%; hệ thống bưu điện đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa; internet tốc độ cao đã đến hầu hết các điểm bưu điện, trung tâm văn hóa xã và các ấp, 100 ấp có phủ sóng 3G. Hầu hết người dân ở địa bàn nông thôn đều được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông.

Tuyến lộ nông thôn dẫn vào ấp Mương Đường, xã Tạ An Khương (huyện Đầm Dơi – Cà Mau) khang trang sạch đẹp.

Một trong những nội dung cốt lõi mà Cà Mau đặc biệt quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thực hiện trong hành trình xây dựng NTM chính là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đa dạng các loại hình liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, khai thác đúng lợi thế, tiềm năng của địa phương.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao được hình thành và nhân rộng như nuôi tôm sinh thái kết hợp xen canh, luân canh với nuôi cua, sò huyết, cá kèo, cá chẽm... Đối với vùng có hệ sinh thái ngọt, nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất xen canh giữa nuôi tôm với nuôi cá chình, cá bống tượng, cá sặc rằn…; các xã bãi bồi, ven biển có mô hình nuôi ốc len, vọp, nghêu, hàu, cá bớp lồng bè.

Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 42 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010, trong đó, khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng (tăng 2,2 lần so với năm 2010), cao hơn bình quân ở ĐBSCL và cả nước; hộ nghèo giảm dần, cuối năm 2018 còn hơn 12.000 hộ nghèo (chiếm 4,04%), trong đó khu vực nông thôn giảm còn 4,77%; có 53 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (chiếm 64,6%, giảm 15,9% so với năm 2015, tăng 42,7% xã so với năm 2010).

Song song đó, để từng bước đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống chợ luôn được tăng cường. Hiện Cà Mau có 72 chợ, trong đó có 48 chợ nông thôn (đạt 100% tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tăng 96,3% xã so với năm 2010, cao hơn 11,6% so với cả nước). Hàng hoá tiêu dùng thiết yếu theo đó cũng được cung cấp đầy đủ, kịp thời đến tận vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.

  Mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp xen canh cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở Cà Mau.

Ngoài ra, để chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho người dân, đã có 8 trung tâm văn hoá –  thể thao cấp huyện được xây dựng và đưa vào sử dụng; 48 trung tâm văn hoá – thể thao xã đảm bảo theo chuẩn quy định và gần 660 ấp có trụ sở sinh hoạt văn hoá (chiếm 82,6%). Nhờ vậy, đến nay đã có 41 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hoá và 50 xã đạt tiêu chí Văn hoá.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử: “Trên nền tảng kết quả đạt được, các địa phương cần khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu còn lại của các xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM. Tập trung huy động, lồng ghép đa dạng hoá các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy định chỉ tiêu của các tiêu chí còn bất cập. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, nhất là nâng cao nhận thức của người dân. Một khi nhận thức người dân đã đầy đủ, thì chuyện xây dựng NTM sẽ không còn khó nữa, đúng với câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.

PHƯƠNG NGHI

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN