Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bức tranh văn hóa Cơ Tu giàu bản sắc

Thứ Hai, 10/06/2024 21:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Quá trình sinh sống, phát triển lâu đời của cộng đồng người Cơ Tu, đã hình thành một nền văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc. Nền văn hóa đó đã góp những sắc màu lung linh, rực rỡ vào bức tranh văn hóa - cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Cơ Tu sinh sống từ lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, chủ yếu ở hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam và một số ở hai huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, nền văn hóa đa dạng, phong phú của đồng bào Cơ Tu cho thấy họ là chủ nhân của một nền văn hóa có trình độ phát triển cao.

Duyên dáng Cơ Tu. Ảnh: Thế Dương

Những sắc thái văn hóa tươi tắn của người Cơ Tu

Nền văn hoá Cơ Tu mang những nét văn hoá truyền thống lâu đời, đặc sắc, in đậm dấu ấn đời sống, tín ngưỡng. Mỗi năm đồng bào có nhiều lễ hội lớn như lễ hội được mùa, lễ hội mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ mừng nhà Gươl… những điệu múa dân gian được duy trì thường xuyên trong những lễ hội này. Đồng bào có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, núi rừng, có đời sống tinh thần phong phú, giúp sáng tạo nên những điệu dân ca, dân vũ thấm đẫm hơi thở cuộc sống.

Trong các lễ hội Cơ Tu, chúng ta gặp những thanh niên dũng mãnh tay cầm giáo mác, hòa cùng những vũ điệu giữ rừng, giữ đất. Những phụ nữ Cơ Tu duyên dáng, uyển chuyển với những điệu múa dân gian trong các lễ hội dâng lễ vật cúng Giàng, thần đất, thần sông, cầu cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc…

Các vũ điệu Cơ Tu mang nhiều đặc trưng văn hóa của tộc người, thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình, của âm nhạc, của hình thể, của trang phục…, người Cơ Tu tự hào về nghệ thuật múa truyền thống của mình, là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cơ Tu, nó tiêu biểu cho cội nguồn văn hoá của dân tộc Cơ Tu.

Trong không gian sống của người Cơ Tu, nhà gươl và cây nêu – là những biểu trưng văn hóa nổi bật. Với người Cơ Tu, nhà gươl là chốn linh thiêng, nơi có sự hiện diện của các thần linh và tổ tiên, ông bà của người Cơ Tu. Ngôi nhà cũng là kết quả của cả cộng đồng, do mọi người cùng nhau xây dựng lên.

Già làng Bh’Riu Pố, thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Xây dựng nhà gươl rất quan trọng, khi chọn được đất làm nhà thì người Cơ Tu tổ chức lễ dựng nhà Gươl khi mặt trời vừa mọc. Đầu tiên là dựng cây cột cái, khi cột này dựng ngay ngắn, già làng lấy nước nguồn tinh khiết tắm cho cột cái, sau đó làm lễ khấn thần linh phù hộ cho người dân bản làng khoẻ mạnh, sống hoà thuận, đoàn kết, hạnh phúc, thương yêu nhau…

Nhà gươi là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của người dân bản, làng, một dấu ấn văn hoá của vùng đất Trường Sơn, các loại hình văn hóa tiêu biểu của người Cơ Tu diễn ra ở đây như: Văn hóa cồng chiêng, lễ hội, điêu khắc gỗ Tây Nguyên… Cây nêu dựng trước nhà gươl, được sử dụng trong các nghi lễ tế thần linh, lễ hiến sinh, lễ hội mừng lúa mới, lễ kết nghĩa anh em, lễ tạ ơn sinh thành hay những ngày hội lớn của cộng đồng.

Vào dịp diễn ra các hoạt động truyền thống của cộng đồng người Cơ Tu, bên mái nhà gươl các nghệ nhân ngồi đánh chiêng, phụ nữ ngồi dệt vải, tiếng chiêng ngân dìu dặt đêm hội, nam giới Cơ Tu múa điệu Tân tung, các thiếu nữ Cơ Tu uyển chuyển, nhịp nhàng múa Da dá thể hiện nét đẹp một tộc người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.

Người Cơ Tu có nhiều truyện cổ kể về sự tích, về xã hội con người, về sự phát sinh các dòng họ... Trong lễ hội truyền thống thường trình diễn múa tập thể, nhạc cụ thường thấy là bộ chiêng 3 chiếc, cồng 1 chiếc, trống, sáo, đàn, nhị. Phụ nữ Cơ Tu khéo léo, tài giỏi trong việc dệt các hoa văn bằng sợi màu trang trí với các hoạ tiết hình học, phân bố và kết hợp khéo léo chì và cườm trên vải. Nam giỏi trong điêu khắc trang trí ở nhà mồ, nhà công cộng, với những hình đầu trâu, chim, rắn, thú rừng, gà... cũng như trong việc vẽ hoa văn trang trí trên cây cột buộc con trâu tế.

 Đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam với vũ điệu Tung tung da dá trong lễ mừng nhà gươl mới, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lan tỏa bản sắc Cơ Tu

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên các vùng miền cả nước. Từ hoạt động đó, đồng bào dân tộc Cơ Tu đã có thêm ngôi nhà của dân tộc mình giữa “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em tại Thủ đô. Khu làng dân tộc Cơ Tu tại Khu các làng dân tộc II, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), được quy hoạch xây dựng trên diện tích 3.877m2, diện tích công trình xây dựng 165m2, diện tích sàn 330m2, bao gồm: 2 nhà sàn tổng diện tích xây dựng 112m2 và 1 nhà rông diện tích xây dựng 53m2.

Làng dân tộc Cơ Tu có vị trí đẹp, cảnh quan thiên nhiên trong lành, một điểm đến giúp du khách có những trải nghiệm hấp dẫn. Tại đây đồng bào dân tộc Cơ Tu ở các vùng miền đất nước đã về với Thủ đô giới thiệu nhiều hoạt động văn hoá như: Các lễ hội lâu đời, phong tục tập quán, dân ca dân vũ, nghề thủ công truyền thống...

Khoảng từ năm 2015 đến nay, tại Làng dân tộc Cơ Tu thuộc Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên về với Thủ đô để giới thiệu với công chúng và du khách, những nét đặc sắc trong nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc mình.

Các hoạt động đó có ý nghĩa lớn lao trong việc kết nối cộng đồng, giúp bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu trong thời kỳ mới, đồng thời cùng góp phần tạo nên sự đa dạng trong một tổng thể văn hóa thống nhất của bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

Bài, ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN