Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bóng đá Việt Nam: Cần cuộc đại phẫu ở thượng tầng!

Thứ Sáu, 27/04/2018 14:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngay sau không khí ngây ngất về thành công của U23 Việt Nam tại đấu trường châu lục, bóng đá nước nhà đã trở lại với mớ bòng bong từ thượng tầng trước Đại hội VFF lần thứ 8. Đây không phải lần đầu tiên người hâm mộ được chứng kiến những xung đột và bế tắc từ những nhà hoạch định bóng đá.

Thượng tầng VFF đang nảy sinh rất nhiều tranh cãi với VPF (Ảnh: bongdaplus)

Sau những áp lực rất lớn từ nhiều hướng, cuối cùng Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã quyết định rút khỏi cuộc đua tới chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF. “Một quyết định dũng cảm”, đó là những gì ông chủ của HAGL, Đoàn Nguyên Đức nói về hành động của “ông trùm Futsal Việt”. Trước đó, chính bầu Đức đã ngồi vào vị trí nói trên và cũng chính ông tuyên bố không tranh cử tại VFF nhiệm kỳ tới. Vậy xung đột giữa 2 đại diện quyền lực cao nhất của VPF là ở đâu? Câu hỏi này xin dành cho VFF và cả những ông bầu đang tham gia điều hành VPF! Dù tất cả đều khẳng định mọi nỗ lực chỉ hướng đến thành công cùng sự phát triển của bóng đá nước nhà, nhưng những góc khuất vẫn dễ dàng được nhận ra.

Trước hết, chính là sự chồng chéo rõ rệt giữa 2 đơn vị quản lý bóng đá tầm cao nhất: VFF và VPF. Việc ông bầu của các CLB tham gia V-League lại ở vào các vị trí thống lĩnh giải đấu là thiếu hợp lý. Đã có nhiều ý kiến về vấn đề này, khi VPF không thể tồn tại độc lập dưới hình thức công ty TNHH. Vậy nên khi tổ chức nói trên trở thành công ty cổ phần với sự kiểm soát vượt trội dành cho VFF, các ông chủ đội bóng đã bị rơi vào thế chênh vênh khi hoàn toàn bị động đối với quyền phủ quyết.

Việc cả bầu Đức lẫn bầu Tú từng đứng 2 vai đã tạo nên những tranh cãi từ chính các ông chủ đội bóng khác. Việc được phép tham gia HĐQT VPF sẽ tiềm ẩn nguy cơ các ông bầu đủ sức làm ảnh hưởng tới trọng tài V-League, hoặc cả những quyết định tuyển quân liên quan tới các ĐTQG. Chính vì thế, việc ông Đoàn Nguyên Đức phản đối tình trạng “chân trong, chân ngoài” ở cả VFF và VPF là có cơ sở. Dù không ai có chứng cớ về những khuất tất cả ở tài chính lẫn chuyên môn, nhưng sau một nhiệm kỳ, ông chủ của đội bóng phố Núi thừa sức hiểu ra nhiều điều.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. VFF, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Việt trực thuộc FIFA, bắt đầu có những động thái can thiệp ở nhiều mức độ khác nhau với VPF – đặc biệt là vấn đề tài chính và nhân sự. Trước hết là vấn đề chi lãi dựa trên số cổ phần 34,5% của VFF, dĩ nhiên là nằm ngoài khoản tiền cứng trị giá 10 tỷ/năm đã cam kết. Đòi hỏi của VFF là có lý, nhưng trên thực tế, sau khi trừ chi phí, các khoản lãi đều được VPF chia lại cho các CLB, gồm bản quyền, tiền thưởng...v.v. Chính điều này đã tạo ra xung đột về lợi ích giữa 2 phía, khi doanh thu giải đấu trên giấy tờ thì luôn tăng, nhưng cổ tức lại giậm chân tại chỗ?! Không còn cách giải quyết nào khác sau hàng loạt công văn yêu cầu giải trình từ VFF, bầu Tú đã quyết định dùng quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF cắt giảm gần một nửa khoản chi cho mỗi mùa. Dĩ nhiên, không một ông bầu nào, không một đội bóng nào cảm thấy hài lòng về điều đó.

Tiếp đến là công tác nhân sự, yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành bại trong điều hành của VFF. Ngay sau khi bầu Đức tuyên bố từ chối tranh cử Chủ tịch VFF vì lý do có sự thiếu minh bạch, các tiêu chí dành cho vị trí này đã được công bố gây nhiều tranh cãi. Một trong 4 tiêu chí đó, ngoài phẩm chất đạo đức hay phẩm chất chính trị, sự am hiểu chuyên môn hoặc kinh nghiệm đối ngoại, Chủ tịch VFF còn phải buộc có... bằng cử nhân, hoặc là cán bộ cấp cao?! Nghe qua có vẻ như VFF đang rất nghiêm túc trong việc tạo ra hình ảnh một vị Chủ tịch hoàn hảo, nhưng với giới hâm mộ, những cái gạch đầu dòng trên tờ giấy A4 chưa bao giờ quan trọng. Niềm đam mê, sự chân thành, ý tưởng và lý tưởng dám hy sinh vì sự nghiệp bóng đá, đó là những điều không thể đo đếm hay định lượng với một chức sắc quản lý nhà nước hay một tấm bằng cử nhân! Một ngôi sao bóng đá xuất sắc, một chính trị gia hay một doanh nhân thành đạt, tất cả đều có thể làm tốt nhiệm vụ quản lý, như người đứng đầu UEFA Michel Platini, như Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, hay cả người tiền nhiệm Sepp Blatter. Dù làm tốt hay không tốt, cũng không ai hỏi họ đã từng học qua đại học hay chưa!

Tới lúc này, danh sách ứng viên cho vị trí Chủ tịch VFF chỉ còn lại 4 người. Trong số đó, ngoài ông Nguyễn Công Khế - nguyên Phó chủ tịch VPF, 3 cái tên còn lại gồm Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa và nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT 2 Lê Quý Phượng đều thuộc sự quản lý của Bộ VH-TT&DL. Nếu như vị trí Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam không thể thi tuyển mà chỉ dựa theo thói quen “chỉ định thầu”, những tranh cãi vẫn sẽ tiếp diễn. Chưa hết, nguy cơ bị FIFA “rút thẻ vàng” cũng không phải là không có, nếu họ có chứng cớ về việc VFF cố ý đưa các yếu tố chính trị vào các kỳ Đại hội.

Cuối cùng, người hâm mộ đã có thể thở phào khi HAGL của bầu Đức sẽ không rút khỏi V-League như những gì đã xảy ra với Sài Gòn Xuân Thành hay Hoà Phát. Nhưng sẽ chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa với bóng đá nước nhà, nếu tình trạng “thượng bất chính” còn tái diễn./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN