Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bóng cười tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe

Thứ Hai, 24/04/2017 11:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Vừa qua, UBND TP. Hà Nội có công văn yêu cầu sở, ngành liên quan siết chặt quản lý, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán bóng cười. Song thực tế cho thấy, tình trạng kinh doanh này vẫn diễn ra nhộn nhịp, công khai.


Không khó để bắt gặp những hình ảnh này trên đường phố Hà Nội. Ảnh MT

Chỉ cần dạo một vòng qua các quán nước tại một số tuyến phố của Hà Nội như: Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Huân…, không khó để bắt gặp những bạn trẻ mải mê với những trái bóng cười. Tại các điểm bán và chơi bóng cười, những người bán bóng thường dùng dụng cụ là bình khí nén nhỏ để bơm khí vào bóng. Khi sử dụng bóng cười, chất khí N2O trong quả bóng này khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 - 5 lần sẽ khiến người dùng cảm thấy phấn khích và cười liên tục. Do đó, với giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/quả, nhiều người khá thích thú với mốt chơi bóng cười tại các quán café, quán bar, nhà hàng …

Tìm hiểu được biết, do bóng cười hiện nay không nằm trong danh mục các sản phẩm bị cấm, nên nó vẫn được rao bán một cách công khai trên các trang mạng Internet. 

Trong vai một người có nhu cầu kinh doanh loại bóng đặc biệt này, khi liên hệ với một số điện thoại bán bóng cười qua mạng, chúng tôi liền nhận được lời giới thiệu hàng cùng với giá bán dao động từ 1,8 – 2,4 triệu đồng/bình loại 5kg (bơm được khoảng 250 - 300 quả bóng) hoặc 6,5 – 7 triệu đồng/bình loại 20kg (bơm được trên 1.000 quả bóng).

Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương cho biết, khí N2O (hay còn gọi khí gây cười) được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp. Trong y học, nếu dùng ở liều cao còn có tác dụng gây tê, giảm đau… Chất khí này có tác dụng kích thích tâm thần, tạo sự hưng phấn nhưng nếu hít nhiều sẽ gây nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy; sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện dễ dẫn đến tình trạng hôn mê, tử vong... Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. Vì vậy, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo mọi người không nên sử dụng bóng cười, nhất là người mắc bệnh huyết áp, tim mạch, viêm gan, đặc biệt là trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành.

Ở nước ta hiện nay, bóng cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, không phải chất ma túy. Song, việc lạm dụng bóng cười ở một số bạn trẻ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ không tốt đối với sức khỏe cũng như việc kiểm soát hành vi của người sử dụng. 

Nhằm ngăn chặn những nguy cơ đó, việc kiểm soát bóng cười đã được chính quyền và các cơ quan chức năng ở Hà Nội chủ động thực hiện. Theo đó, các đội quản lý thị trường đã phối hợp cùng lực lượng liên ngành tiến hành kiểm tra các điểm có dấu hiệu cung cấp bóng cười cho người sử dụng. Do chủ các điểm kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và nguồn gốc của các bình khí N2O nên lực lượng chức năng tạm giữ số bình khí N2O phục vụ bơm bóng cười; đồng thời xử phạt hành chính đối với các chủ cơ sở kinh doanh. 

Theo ông Nguyễn Quỳnh Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ, thực hiện chỉ đạo của Quận và Thành phố, UBND phường đã cùng lực lượng chức năng kiểm tra một số địa điểm có dấu hiệu bán bóng cười. Tuy nhiên, do đây không phải là sản phẩm cấm buôn bán nên đoàn kiểm tra chỉ có thể lập biên bản hành vi tàng trữ hàng hoá không rõ nguồn gốc (bình khí N2O) và bàn giao cho lực lượng quản lý thị trường xử lý theo đúng quy định.

Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Công ty Luật Hồng Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội), với các chất trong danh mục chất cấm, nếu gây nghiện mức độ nhẹ sẽ bị phạt hành chính; trường hợp số lượng nhiều, mức độ gây nguy hại đến xã hội lớn sẽ bị xử lý theo Luật Hình sự. Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định cụ thể về bóng cười như một chất gây nghiện để cấm buôn bán và sử dụng. Do vậy, các cơ quan chức năng mới chỉ có thể quản lý và giám sát về nguồn gốc xuất xứ của bình khí N2O tại các cơ sở kinh doanh bóng cười để xử lý hành vi tàng trữ hàng hoá không rõ nguồn gốc.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu sở, ngành liên quan siết chặt quản lý, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán bóng cười (bóng bay bơm khí N2O). Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường nghiêm cấm học sinh sử dụng bóng cười. Đây là một tín hiệu tích cực nhằm đẩy lùi "thú vui" nguy hiểm này.

Có thể thấy, bóng cười đang trở thành một trào lưu nguy hại đối với giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp kịp thời nhằm quản lý tốt việc mua bán và sử dụng chất khí N2O nói chung và việc buôn bán bóng cười nói riêng. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về tác hại của bóng cười, Bộ Y tế cần sớm có văn bản quy định, hướng dẫn kinh doanh, dùng khí N2O và hóa chất tương tự để phòng ngừa, hạn chế sử dụng sản phẩm gây ảo giác, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ngành Công thương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sản xuất, kinh doanh khí N2O bơm vào bóng bay; phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm./.

Theo các nhà chuyên môn,“bóng cười” hay còn gọi là funkyball thực chất là loại bóng bay đã được bơm khí nitrous oxide (N2O). Khi ngậm bóng và hít khí trong quá trình thổi bóng (lặp lại nhiều lần) thì khí N2O xâm nhập vào cơ thể, tạo ra ở người sử dụng sự phấn khích, tiếng cười và ảo giác tức thời thú vị. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế, hiện khí N2O tuy không phải là chất cấm sử dụng ở Việt Nam nhưng về bản chất là chất gây ảo giác, thường được sử dụng khi gây mê. Khí N2O khiến cho người sử dụng bị hoang tưởng, như lạc vào một thế giới khác và trong lúc hoang tưởng đó, họ rất dễ mất kiểm soát; nhất là khi sử dụng cùng với các chất kích thích khác như: ma tuý, thuốc lắc....

 

Minh Trang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN