Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

BOJ cảnh báo sự thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu

Thứ Năm, 26/08/2021 09:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa đưa ra cảnh báo, tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu sẽ diễn tiếp tục diễn ra trong nủa cuối năm 2021 nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng, buộc các nhà máy sản xuất tại Đông Nam Á phải đóng cửa.

Sự thiếu hụt chip đang khiến các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm sản lượng.
(Ảnh: b2bvoice.com) 

BOJ cũng nhấn mạnh, sự hạn chế về nguồn cung là một trong những rủi ro chính đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Ông Toyoaki Nakamura, thành viên Hội đồng chính sách BOJ cho biết, kinh tế Nhật Bản được kỳ vọng sẽ phục hồi khi tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh tế dần suy yếu, điều này được thể hiện khi nhu cầu toàn cầu tăng trưởng mạnh trở lại và người dân tích cực tăng chi tiêu.

Tuy nhiên, ông Toyoaki Nakamura cảnh báo, triển vọng phục hồi là "rất không chắc chắn" khi số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao, khiến chính phủ Nhật Bản phải tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế và khiến hoạt động sản xuất của các nhà máy đặt tại các quốc gia Đông Nam Á ngừng hoạt động.

“Nếu đại dịch tiếp tục gây ảnh hưởng và buộc các nhà máy sản xuất chip tại Đông Nam Á phải ngừng hoạt động sẽ là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, ông Nakamura cho hay, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng chip có thể sẽ không được giải quyết trong năm 2021.

Các nhà hoạch định chính sách của BOJ đã đưa ra cảnh báo về các tác động ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng chip, vốn đã và đang gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Nhật Bản, bao gồm cả Toyota, một trong những tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới.

Có thể thấy, khi đại dịch diễn ra thì ngành công nghiệp ô tô có lẽ là nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất. Đại dịch đã buộc nhiều nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng do tình trạng thiếu chip kéo dài nhiều tháng qua. Đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh tại Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia – những nơi có các nhà máy sản xuất ô tô và chip đang hoạt động.

Sự gián đoạn sản xuất chip có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, vốn là động lực chính cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế vốn rất mong manh của Nhật Bản. Sự thiếu hụt chất bán dẫn đã tạo ra những “cơn địa chấn” trên khắp các nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, dù chỉ là những thành phần rất nhỏ bé, song thế giới hiện đại đang phụ thuộc rất nhiều vào các loại chip điện tử. Đây là nền tảng cơ bản của của việc tạo ra những chiếc máy tính, cho phép các thiết bị điện tử xử lý dữ liệu.

Mới đây, Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn sản xuất chip Intel (Mỹ), Pat Gelsinger cho rằng, tình trạng thiếu hụt chip hiện nay sẽ chạm đáy vào nửa cuối năm nay trước khi mọi thứ dần được cải thiện. Ông Pat Gelsinger cho biết: “Tôi không mong đợi ngành công nghiệp chip sẽ trở lại tình trạng cung cầu lành mạnh cho đến năm 2023”.

Trước tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn hiện nay, chính phủ nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư mạnh tay để gia tăng nguồn cung trong nước. Mới đây, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ lên đến 451 tỷ USD trong một nỗ lực trở thành “gã khổng lồ” của lĩnh vực chất bán dẫn, trong khi Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho các nhà máy chip. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách nhân đôi công suất sản xuất chip toàn cầu, lên ngưỡng 20% toàn thị trường đến năm 2030. 

Một chuyên gia hàng đầu trong ngành bán dẫn của Nhật Bản nhận định rằng nước này phải đầu tư ít nhất 1.000 tỷ yen (9 tỷ USD) vào việc phát triển chip trong tài khóa hiện tại và hàng nghìn tỷ yen nữa sau đó, nếu muốn vực dậy ngành sản xuất chip bán dẫn. Hiện, các nhà sản xuất của nước này phải nhập khẩu khoảng 2/3 lượng chip cần dùng.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn xuất phát từ sự gia tăng đột biến nhu cầu thu mua sản phẩm này. Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục duy trì các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, điều này khiến nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện tử, phục vụ nhu cầu công việc, giải trí ngày một gia tăng trong khi hầu hết các nhà máy sản xuất chip bán dẫn đều hoạt động dưới công suất tối đa. Tình trạng này dẫn đến nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường./.

 

H.Hà (Theo Reuters, Market Insider)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN