Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ trưởng Y tế giải trình về việc nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế

Thứ Năm, 27/10/2022 18:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tham gia giải trình về nội dung các đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế bảo hiểm y tế đối với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết:  Tại Quyết định số 861 Thủ tướng Chính phủ, các xã khu vực 3, khu vực 2 đã được phê duyệt tại quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực 1 và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực 3, khu vực 2 kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

 Trong quá trình triển khai thực hiện thì các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế của người dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Nhận thức được vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành rà soát những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan . Ảnh: TH. 

Người đứng đầu Bộ Y tế cho hay:  Đến thời điểm này những nội dung vướng mắc liên quan tới việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với người dân trong Quyết định 861 đã được tổng hợp, điều chỉnh, cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định 353 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đối với việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân của các xã vùng ATK thì những nội dung vướng mắc liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm y tế này đã được Chính phủ chỉ đạo và đưa vào Nghị định 146 sửa đổi. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 146 và hiện nay nghị định này đang được trình lên Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành, với những nội dung đó trong quá trình triển khai thực hiện nghị định sửa đổi này thì những vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ được tháo gỡ trong thực tiễn.

Đề cập đến vấn đề nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, qua thực tiễn tìm hiểu nắm được hiện nay do các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146 có những quy định còn chưa thống nhất với nhau. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo phương thức giá dịch vụ y tế thì hiện nay đang có vướng mắc. Chính sự vướng mắc này nó liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của bảo hiểm y tế.

Qua thực tiễn trong thời gian vừa qua, rất nhiều năm gần đây các bệnh viện, các cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng được với các yêu cầu. Với những vướng mắc như vậy, hiện nay nhiều cơ sở y tế thực sự lại trở thành con nợ, bởi vì do các chi phí khám, chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn của các cơ sở y tế, cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tại sao việc mua sắm đấu thầu khó khăn, bởi vì chúng ta còn nợ của các nhà thầu, chưa thanh toán được.

“Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146 đang được Bộ Tư pháp thẩm định”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng thông tin thêm, trong quá trình triển khai thực hiện nội dung này, trước khi nghị định được ban hành, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021. Hiện nay, nghị quyết này đã được trình lên Chính phủ.

 Để giải quyết kịp thời vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh vấn đề liên quan đến việc sửa đổi các quy định về văn bản pháp luật thì Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra những giải pháp để tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự an toàn của Quỹ bảo hiểm y tế./.

Linh Trang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN