Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình về điều hành xuất khẩu gạo
(ĐCSVN) - Được mời giải trình trước Quốc hội sáng nay 15/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dành nhiều thời gian để phát biểu về một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là điều hành xuất khẩu gạo những tháng đầu năm.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu (Ảnh: Quang Khánh) |
Bộ trưởng cho hay, 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019 và kim ngạch đạt tới 1,48 tỷ USD, tăng 25,44%. “Việt Nam cũng đã nhận định, trong năm 2020 chúng ta có khả năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu gạo thế giới” – Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm “có một số diễn biến tương đối phức tạp” - Bộ trưởng nhìn nhận.
Bộ trưởng giải thích, thời điểm này, dịch bệnh ở Việt Nam tăng trưởng ở mức độ tăng nhanh nhất trong những ngày tháng của dịch bệnh COVID-19 và nhiều nước cũng đang tình hình dịch, nên rất lo lắng về câu chuyện của an ninh lương thực và rất nhiều nước tăng mua và tăng tích trữ lương thực.
Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam cũng như một số nước xuất khẩu gạo khác cũng đang gây ra nguy cơ và tâm lý lo lắng, bởi thiếu an ninh lương thực cho các nước, cho chuỗi cung ứng về lương thực.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cũng như ổn định giá gạo trong nước và đảm bảo chủ động trong việc dự trữ lương thực.
Trong quá trình triển khai thực hiện Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành đã nhận được ý kiến báo cáo phản ánh của nhiều địa phương và của doanh nghiệp đánh giá khả năng trữ lượng gạo vẫn còn có lượng tồn trữ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở trên địa bàn cả nước. Mặt khác, hợp đồng đã ký để giao gạo với nước ngoài không đến mức như trong các hợp đồng đã triển khai thực hiện. Vì vậy, các bộ, ngành đã chủ động và báo cáo với Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý cho phép tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn diện về các hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu gạo cũng như hợp đồng gạo đã giao.
"Trên cơ sở những báo cáo cẩn trọng của các bộ, ngành cùng với sự tham gia của các địa phương sản xuất lương thực thì Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp mới, sau đó thống nhất ý kiến quản lý xuất khẩu gạo một cách chặt chẽ, có chỉ đạo, điều hành chặt chẽ thông qua hạn ngạch xuất khẩu gạo, tạm thời 400.000 tấn trong tháng 4"- Bộ trưởng giải trình.
Theo Bộ trưởng, một sự điều hành rất linh hoạt của Thủ tướng Chính phủ và của Chính phủ là sau khi thực hiện hết tháng 4, trên cơ sở đánh giá tiếp tục có điều kiện để phát triển xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất trong cuộc họp với 13 tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long cũng như các bộ, ngành thống nhất tiếp tục cho triển khai hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5.
Đối với những vấn đề còn có bất cập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, rút kinh nghiệm để đảm bảo điều hành có hiệu quả, từ đó tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các khuôn khổ pháp luật để điều hành xuất khẩu gạo cũng như đảm bảo an ninh lương thực./.