Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bổ sung thông tin hình ảnh cho thuê bao di động là cần thiết

Thứ Năm, 22/06/2017 16:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đó là nhận định của đa số ý kiến người dân về việc Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông thực thi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục đăng kí thuê bao di động trả trước.

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4 và trong vòng 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.

Cụ thể, ngoài các thông tin cơ bản, thông tin đăng ký còn có thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).

Như vậy có thể thấy, ngoài việc cập nhật thông tin thuê bao chính chủ, đăng kí gói cước và hoàn thiện các thủ tục khác, người dân còn phải có thêm ảnh chụp chính chủ khi đăng kí thuê bao mới để đảm bảo điều kiện hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Thành.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Tôi thấy việc bổ sung hình ảnh chủ thuê bao sẽ có nhiều ưu điểm. Việc đầu tiên dễ thấy nhất là hạn chế sim rác, kiểm soát sự gia tăng số lượng thuê bao trả trước, đặc biệt là kiểm soát việc sử dụng tràn lan số thuê bao mới ở các mạng di động để thụ hưởng các chương trình khuyến mại của các nhà mạng. Hơn nữa, việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như: vân tay hoặc ảnh chụp còn đặc biệt cần thiết trong khâu xác định một giao dịch là có thật. Từ góc độ một người dân, một người sử dụng dịch vụ di động trả trước, tôi thấy, đây là một quy định mới cần thiết. Có thể bước đầu một số người phản ứng vì ngại liên quan đến quyền riêng tư. Tuy nhiên trong thực tế, việc xuất trình chứng minh thư nhân dân để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận, bởi nhiều người cũng hiểu rằng, việc đó sẽ tốt hơn cho quá trình sử dụng dịch vụ của họ. 

Bà Hoàng Thị Thơm (huyện Khoái Châu -  Hưng Yên) có ý kiến:  Chúng ta thử nghĩ xem, nếu  bỏ quản lý thông tin thuê bao thì xã hội sẽ như thế nào? Chủ thuê bao sẽ thoải mái điện thoại, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, quấy rối, phát tán thông tin độc hại; mọi người sẽ  tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, tấn công đến an ninh quốc gia và sự ổn định của xã hội mà khó có cách gì ngăn chặn, kiểm soát. Do đó, việc bổ sung thông tin đăng ký để các nhà mạng quản lý người dùng tốt hơn là việc làm cần thiết, sẽ góp phần hạn chế được các vấn đề tồn tại.

Tuy nhiên, theo bà Thơm, doanh nghiệp viễn thông di động cần có tính toán sao cho việc trên không làm mất thời gian và phiền toái cho người sử dụng: "Bản thân tôi đang sử dụng 2 số của hai nhà mạng khác nhau. Việc chạy đi chạy lại để bổ sung ảnh vào phần thông tin đăng ký sẽ làm mất thời gian, đó là chưa kể đến việc có những người sử dụng nhiều hơn 2 số điện thoại. Để đơn giản việc này, theo tôi, nhà mạng nên thiết kế một trang điện tử để người sử dụng dịch vụ di động có thể tương tác bổ sung thông tin cũng như bổ sung hình ảnh từ xa được diễn ra một cách tiện lợi, thay vì phải ra tận các điểm giao dịch", bà Thơm nói.

Chị Đỗ Thu Huyên (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bày tỏ: Tôi hoàn toàn đồng ý với tinh thần của Nghị định trên, bởi việc này sẽ góp phần kiểm soát và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ tốt hơn, xóa sổ tin nhắn rác, SIM ảo, đồng thời sẽ kiểm soát chặt chẽ được các chương trình khuyến mại của các nhà mạng. Hơn nữa, việc kiểm soát tốt hơn dịch vụ di động còn góp phần vào  đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Bởi chúng tôi thấy, những năm qua, các tin nhắn đe dọa, uy hiếp tinh thần và sự an toàn về tính mạng của người khác đã nhiều lần xảy ra. Nếu kiểm soát được đầy đủ thông tin của chủ thuê bao thì việc này sẽ được ngăn chặn triệt để.

Chị Đỗ Thu Huyên.

Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về vấn đề bảo mật thông tin riêng tư, đặc biệt là hình ảnh cá nhân. Những hình ảnh cá nhân cùng những thông tin cá nhân mà bị phát tán thì người dùng chúng tôi sẽ phải gánh hậu quả rắc rồi không nhỏ. Thực tế hiện nay, chế tài điều chỉnh vấn đề này được quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất có vài chục triệu đồng. Nếu vì trục lợi lớn, kẻ xấu rất có thể bất chấp mức phạt này đánh cắp hoặc mua bán các thông tin cá nhân của người sử dụng. Việc này sẽ khiến không ít người phải băn khoăn. Do đó, các công ty viễn thông cũng phải tính toán kỹ việc bảo mật cho người dùng, vì nó cũng quan trọng không kém việc đăng ký thông tin.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội thì trước tiên, phải khẳng định rằng, việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng qui định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi mỗi người dân.

Những năm qua, mặc dù đã có các quy định quản lý thông tin thuê bao rất chặt chẽ tại Luật Viễn thông (2006) và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông, tuy nhiên, tính đến đầu năm 2016, thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai. Thông tin sai ở rất nhiều dạng khác nhau, từ tên tuổi ngày tháng năm sinh hoặc số chứng minh nhân dân sai, cho đến bản chụp chứng minh nhân dân giả và đặc biệt, rất nhiều chứng minh nhân dân của người này được gán cho số điện thoại của người khác.

Chính vì những lý do trên, nhằm hướng tới một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và chính chủ, Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã quy định yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao./.

Bài, ảnh: Kim Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN