Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông đồng hành cùng người dân vùng biên giới

Thứ Năm, 24/10/2024 15:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Những năm qua, bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương và của tỉnh Đắk Nông trong triển khai các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Nông đã phát huy vai trò của mình trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham mưu xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; giúp dân giảm nghèo từ việc làm cụ thể.

BĐBP tỉnh Đắk Nông quản lý, bảo vệ khoảng 141,045km đường biên giới, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới tỉnh có 7 xã thuộc 4 huyện, với 31 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 20,3%; hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ 14,37%. Đời sống của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế chậm phát triển. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các chính sách về an sinh xã hội cho nhân dân vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp nhân dân khu vực biên giới xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cần sự chung tay vào cuộc và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị trong triển khai, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông đồng hành cùng người dân vùng biên giới. 

Quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Nông đã tham mưu cho Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9-3-2021 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu, phối hợp với các ban, sở, ngành có liên quan và các huyện, xã có biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật để sản xuất hàng hóa và chăm sóc cây, con giống. Đến nay, nhân dân khu vực biên giới tỉnh không còn hộ đói, số hộ thoát nghèo ngày càng cao.

Tuy nhiên, do phong tục tập quán trong sinh hoạt, canh tác ở địa phương còn nhiều bất cập; tỷ lệ sinh con của đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao, trình độ nhận thức chưa đồng đều, cá biệt có một số hộ dân còn có ý trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước... nên công tác giảm nghèo ở vùng biên cương của tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trước thực tế đó, BĐBP tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo để thiết thực giúp người dân nơi biên giới tỉnh Đắk Nông phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, với khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và với phương châm “hỗ trợ cần câu”, để từng bước giúp dân thoát nghèo, từ năm 2011, BĐBP tỉnh thí điểm Mô hình “bò giống luân chuyển” ở địa bàn xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (đơn vị hỗ trợ 4 con bò mẹ cho 4 hộ nghèo, sau khi bò mẹ đẻ giao bò mẹ lại cho hộ nghèo khác).

Năm 2014, Đồn Biên phòng Đắk Lao tiếp tục xây dựng Mô hình “bò giống sinh sản” (đơn vị nhận nuôi 2 con bò mẹ cho Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (khi bò mẹ đẻ thì giao bê con giống cho hội viên nghèo)... Từ hiệu quả của mô hình này, năm 2018, BĐBP tỉnh đã trao tặng thêm 100 bò giống cho 100 hộ nghèo ở các xã biên giới. Đến nay, số lượng bò giống hỗ trợ cho hộ nghèo ở khu vực biên giới tỉnh đã phát triển hơn 250 con.

Để triển khai, thực hiện các chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã giao nhiệm vụ cho cán bộ tăng cường xã biên giới, đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bon, buôn, bản và đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới thường xuyên đến từng nhà dân được hỗ trợ sinh kế để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, con giống, cách vệ sinh chuồng trại và cách sử dụng phân bón từ các con vật nuôi để cải tạo đất trồng...

Ngoài ra, thực hiện Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Nông... trong những năm qua, BĐBP tỉnh đã phối hợp hỗ trợ hàng trăm con dê giống, heo lai giống, gà lai chọi giống... trị giá hàng 100 triệu đồng; thông qua Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân” và nhân các dịp lễ, tết, hỗ trợ nhân lực, vật lực tổ chức xây dựng, tặng hàng trăm căn nhà nghĩa tình, nhà đại đoàn kết cho người nghèo nơi biên giới. Đồng thời thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, già làng, trưởng các thôn, buôn, bon, bản, người có uy tín với hơn 10.000 suất quà trị giá hơn 5 tỷ đồng; khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.000 người dân ở khu vực biên giới…

Nhờ có những việc làm trên, từ năm 2015, khu vực biên giới tỉnh có 23,8% hộ đói, nghèo, thì đến nay khu vực biên giới tỉnh không còn hộ đói, số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm hơn 60% so với 10 năm trước đây. Về văn hóa, năm 2015, khu vực biên giới tỉnh có 63% thôn đạt thôn văn hóa, 66% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến nay có hơn 90% thôn văn hóa, 71% gia đình văn hóa; 2/7 xã về đích nông thôn mới và 1 xã về đích nông thôn mới nâng cao.

 Bộ đội Biên phòng Đắk Nông tặng áo ấm cho trẻ em vùng biên.

Ngoài ra, chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”; “Mẹ đỡ đầu” do BĐBP tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các chương trình không chỉ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, nâng cao dân trí mà còn góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa Bộ đội biên phòng với nhân dân nơi biên giới, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đặc biệt, trong các chuyến công tác sang nước bạn, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát và hỗ trợ kinh phí, sách vở, quần áo…cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, thông qua các Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn biên phòng", bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông đã nhận đỡ đầu cho 52 cháu, trong đó có 6 cháu là người Campuchia. Mới đây, đơn vị tiếp tục hỗ trợ hơn 250 em theo Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường". Điều đáng mừng nhất là qua từng năm học, các em học sinh được đỡ đầu đã có tiến bộ, chuyển biến tích cực trong cả học tập, rèn luyện, nhiều em đỗ đại học với số điểm cao.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn tổ chức các buổi học thực tế để giới thiệu về lịch sử, đường biên, cột mốc, qua đó giúp học sinh xác định được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Có thể khẳng định các mô hình, chương trình an sinh xã hội của BĐBP tỉnh Đắk Nông đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phòng chống các loại tội phạm cũng như thực hiện các chương trình, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Tích cực tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc, tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, bon; giữ vững mối quan hệ kết nghĩa nhân dân hai bên biên giới, kịp thời cung cấp thông tin liên quan việc vi phạm pháp luật về biên giới cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý… Nếp nghĩ, nếp sống văn hóa lành mạnh đã có nhiều tiến bộ; đồng bào chung sống đoàn kết, nghĩa tình, đẩy lùi các hủ tục từ bên ngoài du nhập vào./.

Duy Bách

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN