Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình Phước: Quan tâm phát triển giáo dục cho người dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 17/09/2023 22:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để đảm bảo quyền được học tập và đáp ứng nhu cầu đào tạo cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, Bình Phước tập trung phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Bình Phước có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với gần 204 nghìn người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh; sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố.

Hiện nay, tỉnh có 07 trường dân tộc nội trú. Đa số các trường được đầu tư xây dựng mới, đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, ký túc xá, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và ăn ở của học sinh.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước 

Các trường dân tộc nội trú phân bố ở huyện Đồng Phú (01 trường THCS), huyện Đồng Xoài (01 trường THPT), huyện Bù Đăng (01 trường THCS và THPT), huyện Bù Gia Mập (01 trường THCS và THPT), huyện Bù Đốp (01 trường THCS), huyện Lộc Ninh (01 trường THCS), huyện Bình Long (01 trường THCS).

Tổng số học sinh dân tộc thiểu số theo học tại các trường dân tộc nội trú là 2.319 em, gồm: 1.452 học sinh cấp THCS, 748 học sinh cấp THPT. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng THCS, THPT đạt trên 99%.

Triển khai Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông”, năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh hợp đồng dạy tiếng Khmer 01 tiết/tuần/lớp cho học sinh từ khối 6 đến khối 8 theo hình thức ngoại khóa. Các trường phổ thông dân tộc nội trú còn lại chủ yếu dạy ngôn ngữ giao tiếp trong sinh hoạt đời sống hàng ngày nhằm tạo điều kiện cho các em hòa nhập, trao đổi học tập.

Chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS, hỗ trợ cho trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được tỉnh thực hiện đầy đủ theo quy định.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho con em DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tiếp tục được duy trì. Tỉnh thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ cho học sinh DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên có hộ khẩu thường trú từ 03 năm trở lên tại các xã biên giới và các xã thuộc vùng khó khăn.

Năm học 2022 - 2023, các địa phương đã chi hỗ trợ cho học sinh dân tộc rất ít người theo quy định. Huyện Bù Đăng chi hỗ trợ cho 01 trẻ em dân tộc Chứt (mẫu giáo), chi trả cho 02 học sinh dân tộc Ngái. Huyện Bù Gia Mập chi trả cho 02 học sinh dân tộc Pu Péo.

Đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Phước đã bố trí việc làm cho 03 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho người DTTS được thực hiện theo chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Việc chăm lo phát triển giáo dục dân tộc cho thấy Bình Phước đã và đang nỗ lực đảm bảo quyền được giáo dục và đào tạo của người dân tộc thiểu số - một trong những quyền cơ bản được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

Hoàng Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN