Biệt thự, biệt phủ
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, báo chí hay đưa tin về biệt thự, biệt phủ của một số quan chức hàng tỉnh. Bắc, Nam, đồng bằng, miền núi điểm mặt đều thấy có…
Nguồn Dantri.com
Biệt thự, biệt phủ là tài sản riêng của mỗi người có gì mà phải ầm ỹ đưa tin, nhưng đâu chỉ có vậy, bởi đây là tài sản của các quan chức, các công bộc của dân cho nên một khi nhìn thấy khối tài sản khổng lồ đó dư luận không thể không nghi ngờ…Loại trừ những tài sản chính đáng, hợp pháp còn lại rất có thể là những tài sản có dấu hiệu không rõ ràng về chiếm dụng đất đai, về sự bất minh nguồn gốc. Bởi lẽ chủ nhân của nó là các công chức ăn lương nhà nước như mọi công chức khác. Nhưng mà thôi, không vội bàn về sự bất minh đó, bởi vì như thế rất có thể sa vào chụp mũ, vì chưa có chứng cớ rõ ràng. Hãy để khi tiến hành kê khai tài sản lúc đó chắc sẽ rõ.
Biệt thự, biệt phủ, nhà thờ họ, nghĩa trang dòng họ và gia đình của mỗi công dân là chuyện bình thường trong xã hội. Vậy mà các công trình ấy của các quan chức, nhất là quan chức ở cương vị cao thì lại là vấn đề khác, nó không còn là chuyện nhỏ nữa. Nó gây ra tác hại nhiều mặt trong xã hội về tính gương mẫu của người lãnh đạo. Lãnh đạo sống như thế, làm như thế tất nhiên cấp dưới và mọi người khác cũng theo "gương" làm theo. Đau đớn hơn từ đó chuyện có một, dân gian bàn tán, bình luận lên mười, nào là dinh thự ấy phải vài chục tỷ, nào là khi xây dựng có bao nhiêu đàn em phù trợ, khi khánh thành nườm nượp quan chức tỉnh huyện về chầu…Và cái kết của sự bàn tán ấy là tâm trạng hoài nghi, là sự mất đi niềm tin yêu của dân chúng, của ngay cả cấp dưới và cán bộ. Rõ ràng, dù ít, dù nhiều, thực sự uy tín bị giảm sút. Lãnh đạo sống trong các biệt phủ sang trọng, cửa kín cao tường, có người và chó giữ bảo vệ thì làm sao có thể gần gũi, hòa mình với dân với hàng xóm láng giềng được. Vậy là xa dân, sống cách biệt với dân rồi...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, không ít người đổ lỗi cho kinh tế thị trường, không ít người đổ lỗi cho trào lưu sống của xã hội tiêu thụ hiện đại hôm nay. Nhưng nghiêm túc xem xét, tựu trung lại có thể là do các nguyên nhân chính sau đây.
Một là, có biểu hiện sa sút về lối sống của một bộ phận cán bộ. Lối sống hưởng thụ, sa hoa, hơn người, với sức hút của nó khiến cho nhiều cán bộ không làm chủ được bản thân, chỉ lo đến lợi ích cá nhân, trục lợi, vi phạm pháp luật. Với những cán bộ này việc tự học tập, tự rèn luyện rất có thể sao nhãng, và sâu sắc hơn là tự phê bình và tiếp thu phê bình chắc hẳn không thường xuyên không nghiêm túc. Nói gọn hơn, khái quát hơn là tư cách người cán bộ cách mạng, tư cách người đảng viên cần phải được xem xét, củng cố, rèn luyện thêm. Và nếu cán bộ thấy việc gương mẫu khó quá, thì tốt nhất xin về làm thường dân, sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, lúc đó có xây biệt phủ to nữa cũng chẳng ai bàn tán, đưa tin làm gì…
Hai là, việc quản lý đảng viên, quản lý cán bộ công chức thực sự cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc. Quản lý cán bộ nói chung, nhất là quản lý đảng viên không chỉ là quản lý về công tác mà còn phải chú trọng quản lý cả về tư tưởng, lý lịch, quan hệ và lối sống. Bấy lâu nay hình như ở một số nơi đã quên đi hệ thống quản lý toàn diện này, cho nên khi cán bộ có khối tài sản bất minh, khi cán bộ đánh bạc, bồ bịch, lấy vợ hai, thậm chí vi phạm pháp luật bị phát giác, cấp ủy cùng cấp, có khi cả cấp ủy cấp trên cũng ngỡ ngàng à ra thế…Để quản lý cán bộ, đảng viên, trong Đảng có Điều lệ Đảng, phía chính quyền có luật công chức và viên chức, xem ra việc nhắc nhở, thi hành thiếu thường xuyên, kiên quyết. Nếu như cán bộ, đảng viên luôn luôn ghi nhớ tiêu chuẩn, nhiệm vụ của người đảng viên, của người công chức thì chắc hẳn tình trạng sa sút về lối sống sẽ được ngăn chặn…
Ba là, ở đây phải nhắc đến một lần nữa tầm quan trọng của công tác giám sát, kiểm tra cán bộ của tổ chức đảng. Cần phải chú ý rằng công việc này phải được tiến hành thường xuyên, phải được khắc sâu và quán triệt ở tất cả các khâu, các công đoạn, các thời kỳ, các quá trình công tác của mọi cán bộ. Nếu như chúng ta chỉ sao nhãng, hay bỏ quên một hiện tượng, một chi tiết nhỏ có liên quan đến cán bộ thì biết đâu cái sảy nó nảy cái ung và chúng ta sẽ mất cán bộ. Giám sát, kiểm tra phải là công việc của tất cả đảng viên, mà trọng trách trước nhất là cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp. ..
Biệt thự, biệt phủ của một số quan chức hàng tỉnh là một hiện tượng không thể xem thường, hãy kịp thời uốn nắn, ngăn chặn không để nó lây lan. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 khóa XII một lần nữa đã vạch rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái tư tưởng chính trị suy thoái về lối sống và đạo đức, tự diễn biến tự chuyển hóa. Phải chăng hiện tượng biệt thự, biệt phủ chính là sự biến tướng, chính là sự phát sinh của các biểu hiện ấy?