Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Biến đổi khí hậu báo trước tương lai “ảm đạm” cho thế hệ mai sau

Thứ Ba, 04/07/2023 16:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Biến đổi khí hậu có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Các nhà lãnh đạo cần thay đổi những tư duy ngắn hạn khi đối phó với khủng hoảng khí hậu.

 Hạn hán đã tàn phá đất đai và là nguyên nhân chính khiến gia súc chết hàng loạt ở Ethiopia. (Ảnh: 
WFP) 

Đây là thông điệp do Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đưa ra trong bài phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ngày 3/7. Dự kiến phiên họp này sẽ kết thúc vào ngày 14/7.

Ông Turk cho biết: “Hơn 828 triệu người đã phải đối mặt với nạn đói vào năm 2021. Trong khi biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ khiến thêm 80 triệu người bị đẩy vào tình cảnh thiếu thốn lương thực ở giữa thế kỷ này...”. Đại diện của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, các hiện tượng tự nhiên như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại. 

Quan chức của Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng quyền có lương thực của con người đang bị “đe dọa toàn diện” do biến đổi khí hậu. Ông cũng nhắc lại rằng các thảm họa liên quan đến lũ lụt do khí hậu gây ra đã gia tăng 134% kể từ đầu thế kỷ này. Thời tiết khắc nghiệt và thảm họa không chỉ phá hủy hệ sinh thái và sinh kế của nông dân, mà sự lặp lại nhanh chóng và không ngừng của các hiện tượng này đang khiến các cộng đồng không thể xây dựng lại và tự hỗ trợ.

Theo Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, các quốc gia đã đồng thuận nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức trung bình đo được trong giai đoạn từ năm 1850 - 1900, và tiến tới ngưỡng 1,5 độ C nếu có thể. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của giai đoạn những năm 1850 -1900.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), với xu hướng diễn biến như hiện nay, trái đất sẽ nóng lên 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk cũng cảnh báo nguy cơ từ các hành vi "tẩy xanh" xuất phát từ lòng tham con người, từ đó, kêu gọi các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn. Ông Tusk nhấn mạnh: “Chúng ta không được mang lại tương lai ảm đạm cho các thế hệ mai sau… Chúng ta, thế hệ nắm giữ trong tay những công cụ công nghệ mạnh mẽ nhất lịch sử, có khả năng thay đổi điều đó”. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi chấm dứt "các hoạt động trợ cấp vô nghĩa" cho ngành nhiên liệu hóa thạch; đồng thời nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vào tháng 11 và tháng 12 tới cần phải là "nhân tố quyết định thay đổi cuộc chơi trong vấn đề chống biến đổi khí hậu mà chúng ta đang rất cần".

Một nội dung quan trọng khác được ông Tusk đề cập tới, đó là kêu gọi nâng cao kỹ năng quản trị để đảm bảo rằng các quỹ chống biến đổi khí hậu được tiếp cận tới những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra, tiến trình tranh tụng liên quan tới khí hậu là một cách để buộc các doanh nghiệp và Chính phủ phải chịu trách nhiệm pháp lý về vấn đề này. 

“Giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền… Chúng ta vẫn còn thời gian để hành động và thời gian chính là ngay bây giờ” – ông Tusk nói./.

T.Lan (Theo UN, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN