Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bí thư Hà Nội: Dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp

Thứ Ba, 07/12/2021 09:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Có thể nói, dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng và gây khó khăn rất lớn cho công tác truy vết, khoanh vùng… Thực tế đang đặt ra thử thách rất lớn đối với các cấp thành phố trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân.

Đây là lưu ý của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 6/12.

Dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng và gây khó khăn rất lớn trên địa bàn Thủ đô. 

Tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến

Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố tăng mạnh, với hơn 9.300 ca, bình quân 173 ca/ngày; trong đó gần 40% số ca ngoài cộng đồng. Đặc biệt, trong tuần từ 29/11 đến ngày 5/12/2021, số ca mắc mới dao động ở mức từ 400 đến 600 ca; đến ngày 6/12 ghi nhận số ca mắc kỷ lục 774 ca. Thành phố vẫn còn 60 điểm phong tỏa, 9 chùm ca bệnh và con số này sẽ chưa dừng lại.

“Có thể nói, dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng và gây khó khăn rất lớn cho công tác truy vết, khoanh vùng và kiểm soát”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.

Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng với ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu và sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân đã đồng tâm, hiệp lực thực hiện phòng, chống dịch trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ. Nhờ vậy, mặc dù dịch bệnh phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, nhưng Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình, kiềm chế khá tốt đà lây lan của dịch bệnh, nâng cao năng lực hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tích cực chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ còn không ít tồn tại, hạn chế. Đó là xuất hiện tình trạng lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện và cơ sở; thậm chí có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là trong việc quyết định biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, quyết định cho cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Đặc biệt, tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân. Tình trạng đi lại, tụ tập ăn uống đông người mà không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngày càng nhiều.

“Thực tế đang đặt ra khó khăn, thử thách rất lớn đối với các cấp thành phố trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhìn nhận.

Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu

Trước tình hình đó, chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phòng, chống COVID-19 những ngày tới, thay mặt Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc quan điểm phòng, chống dịch COVID-19 phải tập trung từ gốc là cơ sở, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, thậm chí tới từng hộ gia đình; lấy người dân là chủ thể, trung tâm của mọi biện pháp.

Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố tổ chức họp trong thời gian sớm nhất để quán triệt bảo đảm thống nhất đồng bộ, toàn diện trong cả hệ thống chính trị về tinh thần này. UBND thành phố ban hành văn bản làm rõ quy định về phân cấp, giao quyền trong xác định mức độ dịch và quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch trên địa bàn cho UBND các quận, huyện, thị xã; cần thiết tổ chức tập huấn, huấn luyện phương án, cách thức xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh cho địa phương. Đặc biệt chú trọng kế hoạch tăng cường thanh tra công vụ đột xuất để đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân; kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đối với nơi còn yếu kém.

Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy tinh thần chủ động, trước hết thực hiện đúng, đủ yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND cùng cấp chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền phải chủ động xem xét, đánh giá và ra quyết định; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Tập trung phân loại nhanh các ca F0, cập nhật ngay dữ liệu lên hệ thống và phối hợp thường xuyên để phân tầng điều trị bảo đảm chính xác, kịp thời; nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong; tuyệt đối không đẩy ca F0 thể nhẹ lên tuyến trên gây quá tải cho các tầng điều trị bệnh nhân nặng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch chung của thành phố.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo mở đợt tổng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn thành phố, tập trung vào những địa bàn trọng tâm, trọng điểm như các khu cách ly, thu dung, trạm y tế lưu động, khu công nghiệp và cấp phường, xã, thị trấn...

15 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy theo phân công tiếp tục theo sát địa bàn; tăng cường kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các quận, huyện, thị xã, sự phối hợp của các cơ quan liên quan và việc tổ chức thực hiện ở tuyến cơ sở, các địa bàn “nóng” như khu công nghiệp, trường học, hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc thực hiện cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà... Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp theo chức trách nhiệm vụ phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực thi nhiệm vụ.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh cấp trung học phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành Y tế tìm mọi giải pháp, tăng cường thiết bị để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, khắc phục ngay tình trạng chậm trả kết quả như hiện nay. Các cấp, các ngành tiếp tục có các biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp, kịp thời quan tâm hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, nhất là hệ thống chính trị và y tế cơ sở./.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN