Bí ẩn trong trang phục người Lô Lô
(ĐCSVN) - Bản sắc văn hóa của dân tộc Lô Lô thể hiện qua các giá trị tinh thần và giá trị hiện vật đã thêm những mảng màu độc đáo cho bức tranh văn hóa nơi cao nguyên đá Hà Giang. Tại đây dân tộc Lô Lô chia thành 2 nhóm chính là người Lô Lô Chải sống ở Đồng Văn và người Lô Lô Hoa sống ở Mèo Vạc. Đặc trưng khác biệt của 2 nhóm dân tộc này chính là nét văn hóa độc đáo trên trang phục truyền thống của họ.
Trang phục của người Lô Lô Hoa ở Mèo VạcTrên bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc thể hiện rất nhiều tín ngưỡng, văn hóa truyền thống của nhóm dân tộc Lô Lô nơi đây. Bởi vậy mà bộ trang phục rất cầu kỳ từ áo, quần cho đến mũ, khăn.
Người Lô Lô Hoa sử dụng kỹ thuật trang trí vải màu trên trang phục. Hoa văn hình tam giác là yếu tố kiên quyết phải có. Những hoa văn này nằm trong một đường diềm hình vuông tượng trưng cho bốn phương. Bên trong là các hình tam giác kèm nhau đôi một, phân chia một bên sáng một bên tối, một bên đậm màu, một bên nhạt màu. Đây cũng chính là biểu tượng của vương quốc Lô Lô cổ xưa. Trên thân của những chiếc áo được thêu hình chim Ngó Bá xen kẽ biểu tượng tam giác tạo nên nét hài hòa mà mang đậm bản sắc văn hóa. Chim Ngó bá là loài chim gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Lô Lô Hoa.
Trang phục độc đáo của người Lô Lô Hoa. (Ảnh:Thegioidisan) |
Biểu tượng hình tam giác 2 màu đối nhau cũng được thêu trên mũ của người phụ nữ Lô Lô Hoa. Khối tam giác này được may lệch phải và cũng chính là điểm nhấn của chiếc mũ. Ở phía chính giữa là biểu tượng thần Mít Dơ – thần cai quản mặt đất, bảo vệ con người trong tín ngưỡng của người Lô Lô.
Còn trên tay áo bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô Hoa là những hoa văn nhiều hình tam giác ghép chung với nhau tạo thành hình đàn cá bơi. Hoa văn này biểu trưng cho hôn nhân, thể hiện tính năng sinh sản của người phụ nữ. Biểu tượng này được nhân lên trên tay áo cô dâu bởi người Lô Lô quan niệm đây sẽ là người mẹ sinh ra đứa trẻ. Đó là cái nôi bắt đầu của mỗi con người và sự phát triển của mỗi dân tộc.
Trang phục của người Lô Lô Chải ở Đồng Văn
Hình tam giác còn là biểu tượng của vương quốc Lô Lô cổ xưa. Do đó mà nó được người Lô Lô thể hiện bằng cách này hay cách khác trên trang phục của mình. Người Lô Lô Chải ở Lũng Cú (Đồng Văn) cũng có cách thể hiện độc đáo biểu tượng này trên trang phục của mình. Hoa văn chủ đạo trên trang phục người Lô Lô Chải là những họa tiết biểu trưng cho thiên nhiên, mảnh đất họ từng sinh sống. Hoa văn hình cây ngô, hoa tam giác mạch… những sản vật nuôi sống biết bao thế hệ người Lô Lô.
Điểm nhấn trong trang phục của người Lô Lô Chải là những hoa văn được tạo hình những chiếc khuy, đây là một nét văn hóa được truyền lại từ ngàn xưa. Những chiếc khuy được may gần nhau thành một hàng dọc trên mũ, tay áo, thân áo của người phụ nữ Lô Lô Chải. Chúng thể hiện sự đoàn kết, gắn kết thành một cộng đồng của đồng bào dân tộc này.
Phụ nữ Lô Lô Chải đang ngồi thuê trang phục cho mình. (Ảnh:Thegioidisan) |
Bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô Chải dựa theo hoa văn, màu sắc trang trí trên tay áo được phân ra làm 2 loại. Với các cô gái tự tay làm trang phục thì chỉ được trang trí 3 lớp hoa văn trên tay áo. Nếu là áo cô dâu được nhà chồng tặng thì trên tay áo trang trí 4 lần các dải hoa văn. Hoa văn được ước lượng thành thước đo phẩm hạnh thể hiện sự tài giỏi, khéo léo, chu toàn của những người phụ nữ bên nhà chồng hay là của những người làm ra nó.
Ngoài chức năng thể hiện tinh hoa văn hóa của dân tộc Lô Lô được kết tinh từ ngàn xưa. Những bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô còn thể hiện quan niệm về hạnh phúc lứa đôi, sự sinh sôi của dân tộc. Biểu tượng cho sự sinh sôi này đều được các cộng đồng dân tộc Lô Lô thể hiện trên tay áo của người phụ nữ. Chính vì thế mới có sự khác nhau giữa tay áo của người Lô Lô Hoa và người Lô Lô Chải, đây cũng là những nét riêng đặc biệt của dân tộc Lô Lô.
Bộ trang phục là một phần của đời sống, gắn kết đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Lô Lô. Trước sự biến đổi của thời gian, cuộc sống ngày càng gần hơn với sự giao lưu hội nhập nhưng bộ trang phục này luôn là niềm tự hào của người dân Lô Lô trên những bản vùng cao. Trang phục của những người phụ nữ Lô Lô dù thuộc nhóm nào vẫn luôn hiện diện và tỏa sáng như tâm hồn và cốt cách của người Lô Lô sinh sống nơi cao nguyên đá suốt hàng trăm năm nay.