Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bệnh dại – không thể xem nhẹ!

Chủ Nhật, 11/08/2019 01:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo đánh giá của Bộ Y tế, bệnh dại ngày càng diễn biến phức tạp khi số nạn nhân tử vong ngày càng tăng; việc quản lý nuôi chó mèo còn lỏng lẻo...

Hướng dẫn của ngành y tế về việc hạn chế động vật cắn và phòng chống bệnh dại.
Ảnh: Cục Y tế dự phòng


Thực trạng ám ảnh…

Theo Báo cáo của Cục Y tế dự phòng và Cục Thú y tại Hội nghị "Tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc” tổ chức tại Hà Nội ngày 6/8 vừa qua, đến hết tháng 7/2019, cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố.

Từ năm 2018 tới nay, tình hình bệnh dại có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại tăng cao (năm 2018 là 103 người chết, tăng hơn so với năm 2017 là 29 người). Số ca tử vong do bệnh dại đứng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh ở Việt Nam trong giai đoạn 2008-2018, và hầu hết các ca tử vong là do không tiêm vắc - xin phòng dại sau khi bị động vật cắn. Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở cả những tỉnh thành vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại…

Chúng ta hẳn chưa quên vụ cả gia đình bị chó dại cắn khiến hai người tử vong ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) hồi đầu tháng 4/2019; hay vụ cháu bé người Mông bị chó cắn phát bệnh dại và tử vong ngày 10/4 ở bản Kéo Hỏn, xã Chiềng Công, huyện Mường La, và một số vụ chó cắn người đau lòng khác…Từ đó mới thấy, bệnh dại thực sự như những “tử thần” lởn vởn, và có thể ập tai họa xuống bất kì với ai, khi mà thực tế đi đường hiện nay, ở bất cứ địa bàn nào, việc chúng ta bắt gặp những con chó, đàn chó thả rông “nghênh ngang” ra đường sủa cắn người khá phổ biến.

Sự việc những nạn nhân thiếu may mắn bị chó dại cắn tử vong trong đau đớn, đang là nỗi ám ảnh với không ít người, và những nguy hiểm do chó tấn công cùng nguy cơ nhiễm bệnh dại vẫn đang là nối bất an trực chờ, ám ảnh cộng đồng.

Loại dịch bệnh nguy hiểm

Theo nhận định của các chuyên gia ngành y tế dịch tễ, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Giai đoạn tiền triệu chứng thường từ 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập. Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp,...

Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị. Bệnh dại do virus dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người. Người bệnh dại tử vong chỉ sau vài ngày có triệu chứng đầu tiên. Điều duy nhất con người có thể làm để thoát khỏi bệnh dại chính là tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại ngay sau khi có dấu hiệu bị động vật cắn, cào xước, bị tiếp xúc qua vết thương hở…Các trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại thường do chủ quan, không đi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn…

Để đề phòng bệnh dại người dân cần quản lý tốt vật nuôi và tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo.

Ảnh: SN

Không thể xem nhẹ!

Theo phân tích của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nguyên nhân bệnh dại diễn biến phức tạp là do chó nuôi ở nước ta thường được thả rông nhiều, chưa được quản lý chặt chẽ (trong khi việc nuôi chó, mèo là thói quen và nhu cầu phổ biến của đa số người Việt Nam). Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó còn thấp (gần 51%), chưa đạt ngưỡng khống chế. Một bộ phận người trong cộng đồng chưa tự giác tiêm phòng dại chó, mèo và có biện pháp quản lý chó, mèo nuôi tại nhà.

Cùng với đó, nhận thức về phòng chống bệnh dại của người dân, nhất là các vùng kinh tế khó khăn còn hạn chế, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan. Việc tiếp cận với vắc-xin phòng bệnh dại cũng bị hạn chế bởi giá vắc-xin nhập khẩu còn cao, số điểm tiêm phòng dại còn chưa bao phủ hết các địa bàn.

Thêm nữa, việc thống kê đàn chó tại các địa phương còn nhiều khó khăn, do người nuôi chó thường không đăng ký tại chính quyền. Lực lượng thú y cơ sở mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, kinh phí hoạt động eo hẹp. Việc sử dụng thuốc Đông y để điều trị bệnh dại vẫn còn phổ biến ở một số nơi dân trí hạn chế, dẫn đến các tử vong đáng tiếc do bệnh dại gây ra ở người.

Thiết nghĩ, trước các vấn đề đã trình bày ở trên, thời gian tới cơ quan chức năng cần tăng cường siết chặt quản lý hơn nữa việc nuôi chó mèo ở các địa phương; cần quy trách nhiệm cụ thể cho mỗi cá nhân khi để vật nuôi cắn, gây nguy hiểm cho người khác. Tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi phải có trách nhiệm đối với vật nuôi, có ý thức phòng, ngừa bệnh dại cho chó, mèo trên tinh thần tuân thủ theo quy định.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ. Hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; không cho trẻ nhỏ đến gần vật nuôi trong nhà…

Trường hợp người bị chó, mèo cắn, cào xước không nên chủ quan điều trị tại nhà bằng phương pháp Đông y mà phải đến các cơ sở y tế để khám và tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại kịp thời. Bên cạnh đó, người nhà không nên vội đập chết chó, mèo khi bị cắn mà phải theo dõi để chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời nếu chó có dấu hiệu phát bệnh dại.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như: tiêm vắc-xin dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, bên cạnh đó cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vắc-xin cho chó.

Và quan trọng, để cùng đẩy lùi bệnh dại trong cộng đồng, chúng ta rất cần sự chung tay của toàn xã hội bằng những hành động cụ thể trên và không thể xem nhẹ loại dịch bệnh nguy hiểm này../.                            

Trần Sơn Nam

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN