Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bất cập xin xác nhận “tôi” là “tôi”(!)

Thứ Sáu, 18/08/2017 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 10/8/2017, bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1954, trú ở số 177 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) có đến một ngân hàng làm thủ tục thế chấp tài sản nhà là nhà đất của mình để vay vốn kinh doanh. Mọi chuyện tưởng chừng “thuận buồm xuôi gió” khi đã có giấy tờ tài sản chính chủ. Tuy nhiên…

Căn cước công dân. Ảnh: (vietlaw.net.vn).

Khi đối chiếu số Căn cước công dân (CCCD) mà bà Hòa được cấp mới (theo Chương trình thí điểm cấp thẻ CCCD tại 16 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội) gồm 12 số không trùng khớp với số CMND cũ (có 9 số) được thể hiện trong sổ hộ khẩu, giấy tờ nhà đất và các giấy khác có mục ghi số CMND. Do đó, nhân viên ngân hàng đã từ chối thẳng thừng và yêu cầu bà nếu muốn vay vốn phải về cơ quan có thẩm quyền chứng nhận người có số trong CCCD mới và người có số CMND cũ là một người.

Lúc này, bà Hòa mới tá hỏa thấy sự rắc rối của vấn đề. Về nhà phân bua với một số người về câu chuyện vô lý trên, tuy nhiên, bà Hòa lại thêm được phen bất ngờ khi trong số hàng xóm của bà có người đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng không được vì CCCD hiện tại của người này cũng không trùng khớp với CMND cũ ghi trong sổ tiết kiệm. Một trường hợp khác thì phát hiện mình được cơ quan nơi công tác cấp thêm cho một mã số thuế cá nhân khác do có số CCCD mới, mặc dù theo quy định mỗi người chỉ được cấp 1 mã số thuế theo CCCD hoặc CMND. Và theo ghi nhận của chúng tôi, bất cập này đã và đang diễn ra ở rất nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức...

Trở lại sự việc của bà Hòa, bà cho biết, khi ở ngân hàng, mặc dù được các nhân viên tín dụng nói vẫn biết các thông tin trong CCCD mới và CMND cũ là của bà Hòa, nhưng họ không thể giải quyết được vì phải tuân thủ theo quy định của ngân hàng. Bà Hòa có tranh luận, thì theo hướng dẫn của cán bộ tín dụng ngân hàng, để được giao dịch, bà Hòa phải về cơ quan có thầm quyền nơi cư trú xin xác nhận "tôi là tôi". Khi nghe xong, bà Hòa không biết đến cơ quan nào để giải quyết việc này(?!).

Theo Luật gia Đồng Xuân Thuận: Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước công dân; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó sẽ không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác.

Cùng bình luận về vần đề này, luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết:

Từ 01/01/2016, thời điểm Luật Căn cước công dân có hiệu lực, Bộ Công an sẽ cho phép có ba loại giấy tờ tùy thân được cùng tồn tại là: CMND 9 số (CMND cũ); CMND 12 số (CMND mới) và Thẻ Căn cước công dân. Do vậy, những người đang có CMND 9 số (mẫu cũ) có thời hạn không vượt quá 15 năm, vẫn được sử dụng bình thường. Cơ quan tiếp nhận sẽ tự kiểm tra đối chiếu và lưu lại các giấy tờ cần thiết phục vụ cho việc xác định nhân thân khi thực hiện các giao dịch. 

Bất cập của vấn đề này thuộc về các cơ quan nhà nước đã không lường trước được các tình huống của việc thay đổi CMND thành thẻ CCCD mà không có sự thống nhất giữa các cơ quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Công an,.. nên đã xảy ra bất cập trong thực tế.

Về giải pháp tháo gỡ, theo Luật sư Phạm Thanh Tùng, đây là giai đoạn quá độ của nền hành chính Việt Nam nên khi chuẩn bị thay đổi một chính sách, một lĩnh vực thì các cơ quan liên quan cần họp bàn để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một cách đồng bộ, qua đó giúp cá nhân, tổ chức khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các giao dịch dân sự, kinh tế được thuận tiện./.

 

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN