Bảo vệ sức khỏe con người trước tác động của biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) – Theo Giám đốc Khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 1,4 triệu ca tử vong hàng năm ở khu vực châu Âu của WHO xuất phát từ các yếu tố rủi ro môi trường, với gần một nửa trong số này là do ô nhiễm không khí.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường và Sức khỏe lần thứ 7 ở Budapest (Hungary), ngày 5/7, Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc Khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhấn mạnh "các mối đe dọa chồng chéo" của biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học đối với sức khỏe con người cần phải được khẩn trương khắc phục.
Nắng nóng kỷ lục đã làm gia tăng số vụ cháy rừng ở châu Âu. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Theo số liệu do ông Kluge đưa ra, ước tính có khoảng 1,4 triệu ca tử vong hàng năm ở khu vực châu Âu xuất phát từ các yếu tố rủi ro môi trường, với gần một nửa trong số này là do ô nhiễm không khí. Năm 2022 đã ghi nhận mùa hè nóng nhất ở châu Âu, với hơn 20.000 người đã chết vì nắng nóng quá độ. Từ đó, quan chức của WHO cảnh báo: “Chúng ta đang bước đi quá chậm, đe dọa đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030”. Cũng theo ông Kluge, hiện có khoảng 77 triệu người trong khu vực vẫn chưa được tiếp cận với nước uống an toàn.
Để khắc phục những vấn đề này, ông Kluge kêu gọi hành động không chỉ đến từ các chính phủ, đối tác mà còn đến từ mỗi cá nhân. Theo quan điểm của ông Kluge, việc ngăn chặn hơn một triệu ca tử vong mỗi năm do các yếu tố rủi ro môi trường nằm trong tầm tay của chúng ta. “Chúng ta biết phải làm gì và bây giờ là lúc biến lời nói thành hành động… Mọi người đều có quyền được hưởng một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, bộ 3 cuộc khủng hoảng môi trường gồm: biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học đang đe dọa chính sự tồn tại của chúng ta và hành tinh của chúng ta, ngôi nhà của chúng ta. Tuyên bố Budapest đưa ra các hành động cụ thể để cải thiện môi trường mà mọi người đang sống, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm bất bình đẳng về sức khỏe, giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và tăng cường khả năng phục hồi tập thể của chúng ta trước các đại dịch trong tương lai” – quan chức WHO nhấn mạnh.
Đại dịch COVID-19 đã gia tăng áp lực về môi trường và sức khỏe, cũng như sự bất bình đẳng về sức khỏe. Một báo cáo mới của WHO có tựa đề “Môi trường lành mạnh ở Khu vực châu Âu của WHO: tại sao điều đó lại quan trọng và chúng ta có thể thực hiện những bước đi nào để cải thiện sức khỏe” – cho thấy ô nhiễm không khí, mất vệ sinh nguồn nước, điều kiện vệ sinh kém, biến đổi khí hậu và ô nhiễm hóa chất tiếp tục gây ra một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe trong khu vực; để lại các tác động không cân xứng đối với những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, phụ nữ và người già. Rủi ro môi trường cũng góp phần gây ra 1/4 số bệnh không lây nhiễm trên toàn cầu, bao gồm: ung thư, cùng với các bệnh tim mạch, hô hấp và tâm thần.
Ngoài ra, tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến một số ưu tiên về môi trường và sức khỏe đang diễn ra với tốc độ rất chậm, làm dấy lên những hoài nghi về triển vọng đạt được những mục tiêu đã đề ra. Một báo cáo mới khác của WHO về tiến trình ở khu vực châu Âu của WHO hướng tới SDGs cho thấy, việc khắc phục các lĩnh vực ưu tiên gồm: chất lượng không khí, nước và vệ sinh, hóa chất và chất thải… chỉ đạt được những tiến triển rất khiêm tốn. Trước thực tế trên, WHO kêu gọi ưu tiên các hành động khẩn cấp, như đầu tư vào năng lực về môi trường và sức khỏe. Theo WHO, phần lớn các nguy cơ về môi trường có thể được ngăn chặn, nên nỗ lực này có thể giúp giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật, mang lại sức khỏe và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người.
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường và Sức khỏe lần thứ 7 diễn ra ở Budapest (Hungary) trong các ngày từ 5 - 7/7, dự kiến thông qua tuyên bố với một loạt hành động cụ thể nhằm cải thiện các hệ thống y tế để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu, giảm tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe , đồng thời lồng ghép các đề xuất về thiên nhiên và đa dạng sinh học vào các chính sách về môi trường và sức khỏe.
Tuyên bố Budapest được thông qua tại Hội nghị sẽ được đệ trình để Ủy ban khu vực châu Âu lần thứ 73 thông qua vào tháng 10 tới./.