Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng

Thứ Tư, 22/05/2019 16:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Công tác phát hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua luôn được nhân dân rất quan tâm và ủng hộ. Trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vai trò của nhân dân trong công tác phát hiện đấu tranh, phòng ngừa là rất lớn…

Ngày 22/5, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực và Quy định số 179 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.

Đồng chí Trương Xuân Cừ phát biểu tại hội nghị - ảnh: HM.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Bí thư Đảng ủy Khối nêu rõ: Công tác phát hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua luôn được nhân dân rất quan tâm và ủng hộ. Trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vai trò của nhân dân trong công tác phát hiện đấu tranh, phòng ngừa là rất lớn.

Thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm...

Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu ở không ít nơi chưa quan tâm đến công tác này. Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể. Công tác giải quyết tố cáo trong một số trường hợp còn để kéo dài, có biểu hiện bao che người bị tố cáo. Kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng, trong khi những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Toàn cảnh hội nghị - ảnh: HM.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27 nhằm đảm bảo an toàn hơn cũng như phát huy được vai trò của nhân dân cao hơn nữa trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian tới.

Về Quy định số 179 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, đồng chí Trương Xuân Cừ cũng nêu rõ, Quy định này sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng sự đoàn kết thống nhất, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng trong công tác cán bộ. Đồng thời, đánh giá đúng công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ đảng viên, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng quy định. Từ đó, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Đồng chí Trương Xuân Cừ cũng đề nghị, các đại biểu tham gia học tập quán triệt nghiêm túc, tranh thủ thời gian để suy ngẫm, cùng trao đổi, thảo luận, tiếp thu các chỉ thị, quy định một cách sâu sắc, toàn diện và đầy đủ nhất./.

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN