Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi trong tình hình mới
(ĐCSVN) - Trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những thành tựu, còn nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Ngày 16/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Co, Ca Dong, tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi (Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long). Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; các loại hình ngữ văn dân gian như: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru; các loài hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: âm nhạc, múa, hát, sân khấu… cùng với đó là tập quán xã hội, các lễ hội truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian luôn được bảo tồn và gìn giữ giá trị.
Một số loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: đấu Chiêng của người Co (Trà Bồng); nghề dệt thổ cẩm, đánh Chiêng Ba của người Hrê (Ba Tơ)... Với kho tàng, truyền thống văn hóa, văn nghệ đa dạng, mang đậm bản sắc, các thế hệ dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những thành tựu, còn nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... của người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nguy cơ mai một, thất truyền. Đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần chưa đồng đều giữa các vùng, miền, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn phát biểu tại hội thảo. |
Ông Trần Hoàng Tuấn cho rằng, hội thảo là dịp để tỉnh nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, các giải pháp cả về lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, từ đó giúp văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và khu vực Nam Trung Bộ được bảo tồn và phát triển, trường tồn với lịch sử văn hóa, hòa chung vào dòng chảy văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, góp phần vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ, với những thay đổi nhanh chóng của đời sống chính trị, xã hội và đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện đại, thiết nghĩ chúng ta cần lưu ý đến bảo vệ các di sản văn hóa tộc người thiểu số trong khu vực cũng như toàn quốc. Điều chúng ta đã và đang làm đó là sưu tầm, ghi chép, tư liệu hóa những giá trị, những hiện tượng văn hóa dân gian trong thời gian qua.
GS.TS Lê Hồng Lý phát biểu tại hội thảo. |
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lưu ý, bên cạnh giữ gìn, lưu giữ đối với những người nghiên cứu, việc sưu tầm các giá trị truyền thống trong đồng bào dân tộc đóng vai trò quan trọng. Đây là cách để các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nuôi dưỡng, vun trồng, làm phong phú đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa. Đồng thời, giáo dục các thế hệ gìn giữ truyền thống trong vườn hoa nhiều hương sắc của văn hóa Việt Nam.
Các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ trong việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của mỗi địa phương.
Hội thảo quy tụ 51 tham luận, các đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề: bảo tồn di sản văn hóa, văn học dân gian, tín ngưỡng – Lễ hội dân gian, âm nhạc, du lịch, ẩm thực…
Qua đó đã chỉ ra được vốn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian khá đa dạng, phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ trong việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ./.