Báo động số ca mắc bệnh tả ở Mozambique
(ĐCSVN) – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 25/4 cho biết, số ca mắc bệnh tả ở Mozambique đã tăng gấp 10 lần (lên 28.000 ca) so với thời điểm dịch bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 2/2023.
Hệ thống nước, hệ thống vệ sinh và điều kiện môi trường không đảm bảo là nguyên nhân khiến dịch tả bùng phát mạnh mẽ ở Mozambique (Ảnh: UNICEF) |
Người phát ngôn của UNICEF tại Mozambique - ông Guy Taylor cho biết, cho đến nay đã có hơn 28.000 ca bệnh tả được ghi nhận ở Mozambique và hơn một nửa trong số đó là trẻ em. Ông Guy Taylor dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh việc gián đoạn các dịch vụ cấp nước, vệ sinh môi trường do lốc xoáy làm gia tăng khả năng lây lan của dịch bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch tả đã khiến 123 người ở Mozambique tử vong kể từ cuối năm ngoái. Nước này đã phải đối mặt với đợt bùng phát dịch tả kể từ tháng 9/2022. Hiện UNICEF đã phân phối 2,4 triệu liều vaccine phòng bệnh tả tại Mozambique.
Theo UNICEF, bão Freddy vừa qua đã phá hủy hơn 100 cơ sở y tế và 250 điểm cấp nước, cắt nước sạch cho khoảng 300.000 người, chủ yếu ở trung tâm Mozambique. Cơn bão đã khiến ít nhất 86 người ở quốc gia này thiệt mạng và khiến hàng chục nghìn người mất nhà cửa. Hơn 390.000 ha đất cũng bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy, làm dấy lên lo ngại về vụ thu hoạch sắp tới.
Trước khi có sự xuất hiện của bão Freddy, dịch tả đã hoành hành ở Malawi – nước láng giềng của Mozambique. Theo thống kê của WHO, hơn 1.730 người đã chết vì bệnh tả trong số hơn 57.600 trường hợp được ghi nhận tại Malawi.
Vào ngày 19/3 vừa qua, UNICEF đã cảnh báo hàng triệu trẻ em ở Malawi và Mozambique phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các ca bệnh tả do ảnh hưởng của bão Freddy - một trong những cơn bão mạnh nhất đổ vào châu Phi. Theo UNICEF, mức độ tàn phá và tình trạng lũ lụt do bão Freddy gây ra đã làm gia tăng mức độ dễ bị tổn thương nghiêm trọng đối với trẻ em và các gia đình ở Malawi và Mozambique - các quốc gia vốn đã suy yếu do hệ thống nước, hệ thống vệ sinh, điều kiện môi trường, dịch vụ y tế không đầy đủ./.